Khoảng tối về sự minh bạch

00:00 12/10/2020

Những số liệu chênh lệch trên báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán dù là vì lý do gì, là vô tình hay hữu ý cũng khiến niềm tin của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng, khiến thị trường chứng khoán trở nên kém minh bạch.

Bức tranh kinh doanh nửa đầu năm của các DN đã lộ diện khi các báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2019 được các doanh nghiệp (DN) công bố đầy đủ.

Tuy nhiên, sau mỗi mùa BCTC sẽ là kỳ công bố báo cáo đã kiểm toán. Năm nay, điệp khúc chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán một lần nữa cảnh báo về chất lượng tài chính và sự minh bạch của các DN.

Điệp khúc chênh lệch

CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVCoating – mã: PVB) vừa có công bố giải trình chênh lệch số liệu trên BCTC soát xét bán niên 2019 so với số liệu trên BCTC công ty tự lập.

Tại BCTC soát xét, kiểm toán đã yêu cầu điều chỉnh, ghi dương thuế thu nhập DN (TNDN) hiện hành hơn 7 tỷ đồng và ghi âm hơn 3,7 tỷ đồng vào khoản thuế TNDN hoãn lại do điều chỉnh một số bút toán hạch toán truy thu khoản thuế TNDN trong giai đoạn 2013-2016.

Do đó, sau kiểm toán, PVCoating ghi nhận lỗ 32,45 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tăng 2,57 tỷ đồng so với số liệu công ty tự lập, tương ứng mức tăng 8,6%.

Tương tự như PVCoating, CTCP An Trường An (mã: ATG) vừa phải có giải trình về con số chênh lệch giữa BCTC trước và sau kiểm toán. Theo đó, trên BCTC tự lập, công ty chỉ ghi nhận lỗ hơn 1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, nhưng sau kiểm toán bị điều chỉnh tăng thêm 15,8 tỷ đồng lên 16,8 tỷ đồng.

Sự chênh lệch số liệu ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư

Nguyên nhân là do kiểm toán điều chỉnh tăng chi phí trích lập dự phòng phải thu của khách hàng chưa thu hồi được công nợ với số tiền hơn 15,8 tỷ đồng.

Với khoản lỗ 16,8 tỷ đồng, An Trường An đã nâng lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6/2019 lên đến 27,5 tỷ đồng. Những điều kiện này cùng các vấn đề khác được nêu trong thuyết minh BCTC cho thấy kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty trong 12 tháng tới.

Trong khi đó, Lilama 5 (mã: LO5) và Xây dựng số 9 (mã: VC9) thậm chí còn chuyển từ lãi thành lỗ sau khi soát xét BCTC 6 tháng đầu năm: Lilama 5 chuyển từ lãi 77 triệu đồng sang thành lỗ 3,8 tỷ đồng, Xây dựng số 9 chuyển từ lãi 786 triệu đồng thành lỗ 4,5 tỷ đồng.

Dù không đảo chiều từ lãi sang lỗ, hoặc lỗ thêm lỗ nhưng nhiều DN trên sàn cũng ngậm ngùi chứng kiến lợi nhuận “bốc hơi” sau kiểm toán như Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR), Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã: PVS)…

Thận trọng đầu tư

Hay như CTCP Kosy (mã: KOS) thay đổi đáng kể khoản lợi nhuận sau thuế khi bị điều chỉnh giảm hơn 25% xuống chỉ còn 13,4 tỷ đồng, trong khi tại báo cáo tự lập là 17,9 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này là do các loại chi phí tài chính, chi phí quản lý DN bị điều chỉnh tăng. Bên cạnh đó, công ty thực hiện trích thêm thuế TNDN tạm tính trong 6 tháng đầu năm.

Thực tế cho thấy các sai lệch giữa BCTC tự lập và kiểm toán của DN thường là những số liệu liên quan đến các ước tính kế toán như trích lập dự phòng, khấu hao, phân bổ, hàng tồn kho, ghi nhận doanh thu chi phí không đúng niên độ…

Dưới góc nhìn của các chuyên gia ngành chứng khoán, chênh lệch có thể do sai sót, nhầm lẫn trong việc ghi chép và trình bày các khoản mục trên BCTC, hay có những sai phạm do cách hiểu về hạch toán theo chế độ kế toán, nhưng các sai phạm này thường nhỏ hơn. Và không thể ngoại trừ do chủ ý của lãnh đạo DN với ý đồ “làm giá” cổ phiếu trong ngắn hạn.

Hiện nay, các DN phải niêm yết BCTC tự lập hàng quý nhưng chỉ có BCTC 6 tháng và BCTC năm mới phải thực hiện kiểm toán. Vì vậy, các số liệu chênh nhau thể hiện sự thiếu minh bạch của DN, thậm chí DN có thể lợi dụng việc này để che giấu các thông tin bất lợi nhằm giữ giá cổ phiếu.

Do đó, một khi những số liệu về hoạt động kinh doanh còn “nhảy” múa, nhất là trong bối cảnh giảm nhiều hơn tăng, từ lãi thành lỗ có thể khiến các nhà đầu tư “thủng túi” theo đà rơi của giá cổ phiếu.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ATG sau khi tiếp nhận thông tin “lỗ chồng lỗ” của An Trường An đã giảm sàn tới 4 phiên trong 5 phiên gần nhất, hiện đang có mức giá 1.130 đồng/cp, giảm 32,3% so với đầu năm.

Đáng chú ý, do hoạt động kinh doanh tiếp tục ghi lỗ, cổ phiếu ATG bị duy trì diện chứng khoán bị cảnh báo và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo khi có BCTC kiểm toán 2019 của công ty.

Giá cổ phiếu PVB cũng liên tiếp giảm từ giữa tháng 8 tới nay, từ mức 22.000 đồng/cp xuống 20.300 đồng/cp, tương đương mức giảm 7,7% sau 13 phiên giao dịch. LO5, VC9 thậm chí còn không có giao dịch và duy trì mức giá thấp.

Như vậy, ảnh hưởng của những chênh lệch số liệu tài chính là quá rõ ràng với thị giá cổ phiếu trên sàn. Nếu tần suất xảy ra các chênh lệch nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của các nhà đầu tư với DN, thậm chí cả với thị trường chứng khoán.

Đến nay, gần như chưa có quy định cụ thể nào để xử phạt các DN thường xuyên có sự sai lệch về con số trên BCTC, nếu có cũng chỉ là các hình thức xử phạt đối với các công ty chậm công bố BCTC.

Do đó, để tự bảo vệ mình, các nhà đầu tư phải tự nâng cao kiến thức để đánh giá chất lượng tài chính của DN, đồng thời nên tìm hiểu toàn diện về thương hiệu, uy tín, định hướng của ban lãnh đạo, hoạt động kinh doanh thực tế của công ty trước khi ra quyết định đầu tư.

Linh Đan