Khó tăng mạnh xuất khẩu trong ngắn hạn

00:00 12/10/2020

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm nay có thể sẽ không cao như 2 năm trước, kể cả ngắn hạn ở những tháng cuối năm cũng khó tăng mạnh. Đặc biệt là khi yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng từ những xung đột thương mại và sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.

Số liệu mới đưa ra từ Bộ Công Thương cho thấy trong 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (XK) ước đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đây được cho là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 – 2018 (tăng tương ứng 19,9% và 16,7%).

Tác động tiêu cực

Nhìn vào các số liệu XK thời gian qua, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết có nhiều thị trường XK chủ lực bị sụt giảm, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thị trường EU thì chậm lại, chỉ có riêng thị trường Mỹ vẫn tăng lên.

“Đây là thách thức mà chúng ta cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng. Nếu xét về ngành XK chủ yếu sang Mỹ, trong đó có ngành dệt may thì XK 6 tháng đầu năm nay có con số khá tích cực, tăng trưởng 16%, nhưng những tháng tiếp theo thì đang có dấu hiệu đi xuống”, ông Linh bày tỏ lo ngại.

Xuất khẩu trái cây cần tránh các hiệu ứng không thuận

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, XK hàng hóa trong ngắn hạn sẽ khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro gia tăng. Đặc biệt khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.

Ts. Phạm Sĩ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, nhận định chủ nghĩa bảo hộ gia tăng như hiện nay gây bất lợi cho nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, nhất là tác động từ Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động XK.

Giới phân tích dự báo trong các tháng còn lại của năm 2019, XK nông sản sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp.

Trong 8 tháng qua, kim ngạch XK nhóm hàng nông, thủy sản đã giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử như XK thủy sản đạt 5,4 tỷ USD, giảm 2,6%; rau quả đạt 2,5 tỷ USD, giảm 6%. Các mặt hàng hạt điều, hạt tiêu và gạo mặc dù lượng XK tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng do giá XK bình quân giảm mạnh khiến kim ngạch XK giảm.

Trong đó, hạt điều đạt 2,1 tỷ USD, giảm 9,4% về kim ngạch dù sản lượng tăng 15,8%; mặt hàng gạo đạt gần 2 tỷ USD, giảm 14,2% (lượng tăng 0,1%). Hoặc như hạt tiêu đạt 571 triệu USD, giảm 2,1% (lượng tăng 27,9%). Đặc biệt, mặt hàng cà phê giảm mạnh cả về kim ngạch và lượng, giá trị XK đạt 2 tỷ USD, giảm 20% và giảm 10,3% về sản lượng.

Tránh các hiệu ứng không thuận

Thời gian tới, các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ còn phải cạnh tranh gay gắt trong XK, khiến cho giá giảm sâu. Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Chẳng hạn như việc sụt giảm kim ngạch XK rau quả vào thị trường Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định việc chấm dứt XK tiểu ngạch và chuyển sang chính ngạch khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) gặp trở ngại về mặt giấy tờ.

Theo ông Nguyên, XK rau quả trong những tháng cuối năm còn gặp khó do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ – Trung. Việc XK sang Trung Quốc đi vào chính ngạch, phải xin giấy phép như mã vùng, mã vạch, mã cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc… làm cho DN trong nước lúng túng.

Tại hội nghị XK hàng hoá nông thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc diễn ra ở Hà Nội cuối tuần qua, Bộ Công Thương cho biết XK nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc thời gian tới sẽ gặp phải các khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới và khu vực hiện nay đang có nhiều biến động.

Đặc biệt là sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 của nước này không khởi sắc. Tác động từ cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung dẫn tới xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu nông sản làm nguyên liệu để chế biến và tái XK.

Ngoài ra, việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu hơn làm cho giá hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc XK hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này.

Hoặc như trong căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, quyết định hạn chế XK các vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản đối với Hàn Quốc được cho là không chỉ ảnh hưởng đến các công ty sản xuất chất bán dẫn, chip và màn hình tại Hàn Quốc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ sở sản xuất, nhà máy thuộc các công ty này tại các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Điều cần làm đối với hoạt động XK, như lưu ý của Bộ Công Thương là tiếp tục mở rộng thị trường, tránh các hiệu ứng không thuận từ tình hình xung đột thương mại hiện nay để các DN nắm bắt đúng thực chất tình hình, tranh thủ cơ hội để thúc đẩy XK.

Thế Vinh