FDI chuyển dịch, Việt Nam đón nhận sao cho hiệu quả?

00:00 12/10/2020

Dòng vốn FDI vào Việt Nam dự báo sẽ không giảm mạnh, nhưng cần thay đổi cách triển khai để thu hút được các dòng vốn chất lượng và có tính lan tỏa, mang lại lợi ích lớn hơn cho tổng thể nền kinh tế.

Vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng 

Theo báo cáo cập nhật tình hình KTVM Việt Nam tháng 9/2020 mà Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố mới đây, tổng vốn FDI đăng ký đạt mức 19,5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2020, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn FDI đăng ký giảm mạnh trong tháng 8 xuống còn khoảng 720 triệu USD so với 3,1 tỷ USD vào tháng 7/2020.

Theo báo cáo, “sự sụt giảm này có thể phản ánh bất ổn ngày càng tăng liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng vừa qua, với việc các NĐT nước ngoài tạm dừng để đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế”. Và khả năng “trì hoãn kế hoạch đầu tư trong một môi trường nhiều bất ổn như hiện nay” cũng là một trong những cảnh báo được WB đưa ra trong báo cáo này.

Tuy nhiên theo hầu hết các chuyên gia, sự sụt giảm này hoàn toàn có thể hiểu được trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và trước đó là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến dòng vốn FDI toàn cầu sụt giảm với dự báo có khả năng giảm tới 40% trong năm nay. Trong nhận định mới nhất, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam tin tưởng, mặc dù FDI có chững lại và sụt giảm nhẹ nhưng Việt Nam vẫn sẽ là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

“So với các nước trong khu vực, kinh tế Việt Nam vẫn có sức chống chịu tốt trong năm 2020 và có tiềm năng phục hồi mạnh trở lại trong 2021. Triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn tích cực bởi tất cả những nền tảng của nền kinh tế, từ KTVM đến tiềm năng tăng trưởng vẫn được duy trì ổn định. Đặc biệt với lợi thế cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng đang có, Việt Nam tiếp tục sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi giá trị đến các quốc gia có chi phí thấp hơn”, ông Cường nói.

Cùng quan điểm trên, ông TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, sở dĩ vốn FDI vào Việt Nam vừa qua chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái vì đại dịch Covid-19 tác động 2 chiều đến Việt Nam. Một mặt, kinh tế thế giới đang đối diện với suy thoái trầm trọng nhất trong nhiều năm vì đại dịch Covid khiến xu hướng chung là dòng vốn FDI trên toàn thế giới giảm và tác động tiêu cực đến dòng vốn vào Việt Nam.

Nhưng mặt khác, đại dịch Covid (và tất nhiên cả vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng trước đó) cũng khiến các DN FDI của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… càng nhận thấy việc tập trung và phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng hiện tại - nằm và phụ thuộc rất nhiều ở Trung Quốc – là một rủi ro nên buộc họ phải đẩy mạnh dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các khu vực khác, trong đó có Việt Nam. 

“Việt Nam được đánh giá có nhiều nhân tố tích cực cho FDI như kiểm soát dịch tốt, môi trường chính trị ổn định, nhân lực tương đối dồi dào và chi phí lao động vẫn khá rẻ so với nhiều nước, có vị trí địa lý cạnh Trung Quốc (nên dịch chuyển đơn giản hơn) và chúng ta vẫn đang khuyến khích và ưu đãi FDI khá nhiều... Đây là những yếu tố giúp Việt Nam được xem là một trong những điểm đến tốt khi các NĐT dịch chuyển và cũng lý giải tại sao dù FDI toàn cầu giảm nhưng vốn FDI vào Việt Nam không suy giảm nhiều”, TS. Phương nói.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng, dòng vốn FDI vào sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay những năm tiếp theo. Gần đây, các thông tin về dịch chuyển của các tập đoàn, DN FDI vào Việt Nam với số vốn đầu tư hàng tỷ USD cũng ngày càng nhiều.

Mới đây nhất là Tập đoàn Pegatron - nhà cung ứng linh kiện, sản phẩm điện tử hàng đầu cho các tập đoàn công nghệ trên thế giới - đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỷ USD để xây dựng tổ hợp công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Trước đó, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố danh sách 15 DN Nhật Bản sẽ chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam…

Những vấn đề cần hóa giải 

Theo ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), điều “may mắn” là vì hoạt động SXKD ở Việt Nam ổn định nhờ kiểm soát dịch Covid tốt, trong khi hoạt động SXKD của các DN Hàn Quốc ở các thị trường khác gặp khó khăn hơn. Nên thị phần sản xuất ở Việt Nam sẽ tăng lên, giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm ở các nước khác. “Dù Covid-19 là một thách thức rất lớn nhưng Việt Nam cần coi đây là cơ hội và cần có các giải pháp để tận dụng, thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài”, ông Hong Sun nói.

Tuy đóng góp và vai trò của FDI trong tăng trưởng và phát triển của kinh tế trong những năm qua là không thể phủ nhận, song những mặt trái, hệ lụy của thu hút FDI cũng không ít và luôn là câu chuyện tranh cãi dài kỳ.

Theo TS. Lê Quốc Phương, những mặt trái, hệ lụy của FDI đã được nhận diện về mặt chính sách và chủ trương của chúng ta là hướng đến thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, có tính lan tỏa tốt để tăng nội lực trong nước. Tuy nhiên, giữa định hướng, chủ trương và thực tế triển khai thì vẫn còn khoảng cách rất lớn.

“Vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng và tỉnh nào cũng đua nhau để thu hút FDI”, TS. Phương khẳng định.

Có lẽ ở đây vừa có vấn đề về thành tích, vừa có vấn đề về tiền bạc.

“Thu hút được một dự án FDI thì GDP, thu ngân sách của tỉnh đó tăng lên, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên nhưng mà thực tế trong số ấy thì DN FDI mang về nước họ là chính và xét cho cùng thì lợi ích đối với nền kinh tế không được bao nhiêu, tính lan tỏa gần như bằng 0, khiến một trong những mục tiêu chính trong thu hút FDI vào là để phát triển DN trong nước thì không thúc đẩy là bao”, TS. Phương nói.

Trong khi đó, nhiều DN trong nước cũng nhìn ngắn hạn, chỉ muốn khi FDI vào có cơ hội nào thì tranh thủ kiếm lợi nhuận trước mắt mà không muốn phát triển lâu dài vì để phát triển thì đòi hỏi phải đầu tư lớn, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, thu hút FDI bằng các ưu đãi như về thuế, đất đai… không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thay vào đó, nên tập trung ưu tiên phát triển môi trường đầu tư minh bạch, chính sách ổn định, đồng thời tiếp tục đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản trị và có các giải pháp để kết nối DN FDI với các DN trong nước. Đây là những yếu tố quan trọng để thu hút FDI chất lượng cao và thực sự hỗ trợ cho phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Đỗ Lê