EVFTA: Thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn

00:00 12/10/2020

EVFTA và EVIPA được đánh giá là có tác động mạnh tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thể chế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) được Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua và dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới. EVFTA và EVIPA được đánh giá là những hiệp định quan trọng giúp cho kinh tế Việt Nam phát triển trong thập kỷ tới; đặc biệt đối với nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao gấp 2,3 lần GDP.

Quan trọng hơn, 2 Hiệp định này có tác động mạnh tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thể chế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn. Để hiểu rõ hơn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết, những cơ hội mà Việt Nam sẽ có được khi Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7/2020?

Ông Nguyễn Bích Lâm.


Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm:
 
Việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA đưa Việt Nam thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam - từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu trong quan hệ thương mại với EU.

EVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU hiện nay của Việt Nam. Có được kết quả trên là nhờ sự chung tay góp sức, vận động chuẩn bị của cả hệ thống chính trị.

Theo dự báo của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên của EU (MUTRAP), Hiệp định này sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 2-2,5%; đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 75% và nhập khẩu chỉ tăng từ 25-35%.

Hiệp định EVFTA còn mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư từ EU; đặc biệt, thu hút vốn công nghệ cao, kinh nghiệm và kỹ năng quản lý tiên tiến.

EVFTA còn có tác động khá tích cực về mặt tạo sức ép gián tiếp và trực tiếp nhằm cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Cụ thể, do EVFTA là hiệp định thế hệ mới, nên những cam kết đối với môi trường đầu tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm, cạnh tranh bình đẳng, phát triển bền vững, điều kiện lao động… sẽ tạo sức ép cải cách thể chế và chính sách trong trung và dài hạn…

Đồng thời, kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện hiệp định cũng sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giúp gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới…

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, việc Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước…, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Kết quả tính toán chỉ ra rằng EVFTA góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2020- 2023) và trên 4% vào các năm sau đó.

Các cam kết rộng và sâu về đầu tư sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương (BIT) giữa Việt Nam và các nước thành viên EU sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh các tác động tích cực, việc tham gia EVFTA sẽ đem đến những thách thức như thế nào cho nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Bên cạnh các tác động tích cực, việc tham gia và thực thi các cam kết của EVFTA cũng sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức. Những thách thức lớn nhất xuất phát từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam như: hạn chế về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước; hệ thống chính sách pháp luật còn thiếu, yếu và chồng chéo cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực hiện các cam kết.

Bên cạnh đó, do mức độ giảm thuế ở các ngành khác nhau là khác nhau, nên việc thực thi các EVFTA dẫn đến việc tăng trưởng không đồng đều, một số ngành, lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do nguồn lực bị tập trung cho các ngành tăng trưởng cao. Ngoài ra là những thách thức từ hạn chế trong hiểu biết và nhận thức của các doanh nghiệp và cộng đồng…

Thưa ông, về lâu dài, xin ông cho biết, EVFTA sẽ ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam như thế nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Khi Hiệp định thông qua sẽ loại bỏ toàn bộ thuế quan với lộ trình thực hiện ngắn; trong đó 71% hàng hoá của Việt Nam xuất sang EU sẽ hưởng thuế xuất 0% ngay lập tức; các mặt hàng còn lại sẽ được miễn thuế dần trong 7 năm tới. Điều này làm tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam tại thị trường các nước thuộc EU.

Tuy nhiên, khi đó hàng hoá của EU với chất lượng cao, mẫu mã đẹp cũng sẽ tràn ngập vào thị trường Việt Nam, làm tăng tính cạnh tranh của hàng Việt Nam ngay tại thị trường trong nước. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải khẩn trương chuẩn bị, đổi mới quan điểm sản xuất, doanh nghiệp cần nhìn xa hơn, đừng xem đây là cơ hội bán hàng; việc hưởng ưu đãi thuế quan từ EU là không dễ.

EVFTA là Hiệp định thương mại toàn diện, bên cạnh 4 lĩnh vực cơ bản là thương mại hàng hoá; thương mại dịch vụ; đầu tư và sở hữu trí tuệ, EVFTA còn thêm 9 lĩnh vực khác; trong đó, có những lĩnh vực sẽ gây khó khăn cho khu vực doanh nghiệp Việt Nam như: quy tắc xuất xứ; cạnh tranh, phát triển bền vững; pháp lý thể chế, như quy định của EU về rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật; các vấn đề về phòng vệ thương mại, bán phá giá...

Chẳng hạn thực hiện về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang EU là sức ép rất lớn đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam như: hàng dệt may, da giày.

Thực hiện EVFTA làm minh bạch trong xuất sứ hàng hoá, chống gian lận thương mại, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu minh bạch, tạo dựng niềm tin và vị thế của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Không những thế, thực hiện EVFTA cho phép các nước thuộc EU tiếp cận thị trường mua sắm công của Việt Nam, các doanh nghiệp EU có thể tham gia đấu thầu các hợp đồng mua sắm công của Chính phủ, của doanh nghiệp Nhà nước, điều này nâng cao hiệu quả mua sắm công, dẹp bỏ một phần lãng phí, nâng cao hiệu quả chi ngân sách và loại bỏ tham nhũng, ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách của Việt Nam.

Để có thể tận dụng tốt nhất những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại, theo ông, Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự định hướng chỉ đạo như thế nào?

Trước hết, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ cần cải cách thể chế kinh tế tạo dựng môi trường, chính sách kinh tế phù hợp với các nội dung của EVFTA; đồng thời, tạo dựng chính sách kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh hàng hoá Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần bổ sung, hoàn thiện môi trường pháp lý và chính sách nhằm loại bỏ gian lận thương mại, minh bạch vấn đề xuất xứ hàng hoá trong thương mại quốc tế giữa Việt Nam và EU.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện môi trường pháp lý phù hợp với các điều khoản quy định trong EVFTA về môi trường và phát triển bền vững; đổi mới nâng cao chất lượng của giáo dục và đào tạo, đặc biệt giáo dục đại học và dạy nghề phải có sự nổi bật, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo tôi, cần phải có giải pháp, bước đi một cách khoa học và nhìn xa trông rộng, có tầm chiến lược trong công nghiệp hoá và đô thị hóa. Cùng đó, Việt Nam tạo niềm tin cho các nước trong khu vực và thế giới để thu hút đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại, xây dựng khung pháp lý minh bạch, bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm đối với phần vốn họ bỏ ra.

Để bảo đảm mối quan hệ trong đầu tư kinh doanh được bền vững và lâu dài, thủ tục hành chính cần đơn giản nhằm ngăn chặn tham nhũng.

Chính phủ cũng nên giao cho một tổ chức chẳng hạn như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có những hướng dẫn cụ thể cho khu vực doanh nghiệp trong nước hiểu rõ thị trường EU, các quy định cụ thể về hàng hoá xuất khẩu sang EU, đồng thời đẩy mạnh truyền thông đảm bảo doanh nghiệp nắm rõ các quy định và điều khoản  nhằm thực thi nghiêm chỉnh EVFTA.

Thưa ông, ông có những khuyến nghị gì đối với khu vực doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp có được cơ hội vững vàng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực?

Theo tôi, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các nội dung trong EVFTA để có được phương thức thực hiện trong sản xuất và hoạt động thương mại với thị trường EU.

Doanh nghiệp phải chuẩn bị gấp rút, có phương án đầu tư đổi mới công nghệ và kỹ năng quản lý, có phương án kinh doanh đảm bảo cạnh tranh với hàng hoá của EU tràn vào Việt Nam; đồng thời, có chiến lược đầu tư đổi mới công nghệ, tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp có công nghệ hàng đầu để tham gia vào chuỗi liên kết toàn cầu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần áp dụng chuẩn mực lao động quốc tế, có chiến lược sản xuất kinh doanh linh hoạt để kế tiếp được lực lượng tay nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường, đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế thế giới không chỉ về chuyên môn mà khi mở rộng quan hệ quốc tế đòi hỏi cả khả năng ngoại ngữ của đội ngũ lao động…

Xin cám ơn ông!