Độc quyền, Nhà nước và ngành kinh tế đều không được lợi

00:00 12/10/2020

Tại Hội thảo khoa học “Cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới” trong khuôn khổ chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" diễn ra ngày 6/7 (Chương trình Aus4Reform) do chính phủ Australia tài trợ, nghiên cứu của CIEM cho thấy, Nhà nước giữ độc quyền thì Nhà nước không được lợi hơn mà chính ngành đó cũng không phát triển được.

Ngành đường sắt đang được độc quyền toàn bộ

Tại hội thảo này, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã trình bày một nghiên cứu về vai trò của Nhà nước và độc quyền nhà nước trong 4 ngành công nghiệp mạng lưới ở Việt Nam là viễn thông, hàng không, điện, và đường sắt. 

Nghiên cứu cho thấy rằng, trong các ngành công nghiệp mạng lưới, khi độc quyền nhà nước được cải cách sẽ tạo nên sự phát triển. Nhưng khi toàn ngành vẫn là độc quyền nhà nước thì không tạo động lực phát triển, không tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh khiến chính ngành đó không phát triển được, người tiêu dùng không được cung cấp dịch vụ tốt hơn với giá hợp lý hơn, ảnh hưởng tới sự phát triển chung cả cả nền kinh tế và xã hội. 

Được biết, hệ thống cơ chế, chính sách nhằm hạn chế độc quyền kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh đã được ban hành khá đầy đủ, tạo cơ sở cho cải cách. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể chế kinh tế (CIEM), kết quả cải cách và hiện trạng độc quyền nhà nước của mỗi ngành khác nhau.

Lộ trình cải cách của từng ngành cũng đang ở những giai đoạn khác nhau: ngành viễn thông cải cách mạnh mẽ, ngành điện mở cửa một phần, vận tải đường sắt thì mới chỉ có những bước đi đầu tiên. Nói đúng hơn là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt và hiện ngành này đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Dẫn chứng về ngành hàng không, bà Nguyễn thị Luyến cho biết, từ khi xóa bỏ độc quyền nhà nước trong vận tải hàng không, nhiều hãng hàng không mới ra đời. Các hãng hàng không đã phát triển tạo ra một thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng nhưng giá lại rẻ hơn. 

Tuy nhiên, đại diện CIEM cho biết, Nhà nước vẫn độc quyền quản lý và khai thác cảng hàng không. Toàn bộ 22 sân bay thương mại đang do DNNN quản lý và khai thác nên giá dịch vụ cảng không hợp lý, giữa các hãng hàng không vẫn có sự chưa công bằng khi tiếp cận tới hạ tầng cảng hàng không.  

Nghiên cứu của CIEM và góp ý của các chuyên gia cho thấy, Nhà nước giữ độc quyền nhà nước không được lợi hơn mà chính ngành đó cũng không phát triển được. 

Do đó, Nhà nước chỉ nắm giữ độc quyền ở những khâu, công đoạn có tính độc quyền tự nhiên để đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng cho tất cả các DN tới các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt này.

Báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh kiến nghị tiếp tục cải cách và lưu ý xác định khâu trọng tâm cần duy trì sở hữu nhà nước; có cách thức quản lý, giám sát phù hợp, tránh chuyển từ độc quyền nhà nước sang thành độc quyền DN.

H.Anh