DN không cần bảo họ bứt phá mà chỉ cần có 1 đường đua không chông gai thì họ sẽ tự biết được làm gì

00:00 12/10/2020

Đó là ý kiến của ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ “bứt phá” do kênh truyền hình VITV tổ chức mới đây. Bứt phá trong tăng trưởng kinh tế”, “bứt phá trong cải thiện môi trường kinh doanh” là hai chủ đề chính được bàn thảo sôi nổi.

Năm 2019, kinh tế Việt Nam có bứt phá?. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2019, kinh tế Việt Nam có bứt phá?

 “Năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có bứt phá được không?”, “DN tư nhân cùng Chính phủ sẽ bứt phá như thế nào?” là câu hỏi được đưa ra trong buổi tọa đàm. Trả lời vấn đề này, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, chúng  ta có đầy đủ điều kiện đạt được mục tiêu của Chính phủ.

Theo, ông Hoàng Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương: Việt Nam đang có những cơ hội và tiềm năng rất lớn để phát triển và bứt phá trong năm 2019, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là mức tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2019  là con số phù hợp và khá thận trọng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. "Tăng trưởng không chỉ đơn thuần về mặt con số mà còn về chất lượng tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng thể hiện sự phát triển nhanh và bền vững", ông Hoàng Trường Giang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bổ sung: Để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng như chúng ta mong muốn thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể chế và nguồn lực. Từ 2017 Việt Nam thực hiện Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân, rồi cải cách thể chế và các nguồn lực phát triển cũng đã có sự thay đổi tương đối bài bản. 3 năm trở lại đây, kinh tế tài chính, chính sách tiền tệ luôn đạt được thành công. Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập cao, nằm trong biến động lớn của thế giới như chiến tranh thương mại, bảo hộ, rủi ro tiền tệ... nên mục tiêu tăng trưởng 6,6% cũng là một thách thức chứ không dễ dàng.

"Chúng ta có những tiền đề để phát triển nhanh, bền vững. Nhưng vấn đề đặt ra ,không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng GDP mà phải trả lời được câu hỏi, người dân Việt Nam được hưởng lợi gì từ tăng trưởng kinh tế”, ông Kiên lưu ý. 

Trong khi đó, ông Lương Minh Chánh, Chủ tịch Trường Đào tạo Quản trị Kinh doanh BizUni lại trái ngược với quan điểm của các diễn giả trên và cho rằng, tăng trưởng 6,6% GDP chưa có gì là bứt phá. Xét GDP đầu người hiện nay, Việt Nam chưa bằng 1/3 Trung Quốc, chưa bằng 1/2 Thái Lan. Đây là con số thấp. Ông Chánh còn khẳng định: "Với tốc độ này, chúng ta không bao giờ kéo được khoảng cách với các nước khác. Chúng ta sẽ vẫn là nước nghèo. Nghị quyết 10 của Trung ương đã xác định kinh tế tư nhân quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hiện tại, kinh tế tư nhân chỉ chiếm 40% GDP, kinh tế nhà nước chiếm gần 30%, còn lại là các hộ cá thể. Điều này là bất hợp lý. Kinh tế tư nhân phải là trụ cột của nền kinh tế, đồng nghĩa với việc kinh tế tư nhân cần phải chiếm 50% GDP. Kinh tế nhà nước phải giảm dần tỷ trọng.

Làm thế nào để bứt phá?

Ông Hoàng Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương cho biết, có 3 yếu tố cơ bản để tạo nên sự bứt phá trong tăng trưởng kinh tế là vốn, năng suất lao động và thể chế. Thủ tướng đã từng nhấn mạnh, trong những trọng tâm để bứt phá trong năm 2019, thể chế là yếu tố rất quan trọng. Thời gian qua, với nỗ lực và sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển đã đạt được những kết quả nhất định và đi vào thực chất. Đây là nền tảng thuận lợi để DN, nền kinh tế có sự phát triển bứt phá. Tuy dư địa của phần vốn nhà nước không còn nhiều, nhưng nước ta có cơ sở nguồn vốn phát triển từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với hơn 10 tỷ USD/năm và năm 2018 gia tăng đột biến với 19 tỷ USD. Bên cạnh đó là sự không ngừng lớn mạnh của khối DN tư nhân cũng tạo nên nguồn lực quan trọng cho nền kinh tế. Ngoài ra, một trong những yếu tố tạo ra sự bứt phá là năng suất lao động cũng có những mặt thuận lợi nhờ cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào dễ thích nghi với nền sản xuất mới, công nghệ mới để nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất…

Mỗi DN đề xuất gì, mong muốn gì, thì mới có thể bứt phá được. ẢNh minh họa: Nguồn: Internet

Về chủ đề này, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhận định, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt được sự tăng trưởng bứt phá vì có rất nhiều cơ hội phát triển đến từ các Hiệp định thương mại; đến từ mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới có ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam là Mỹ - Trung Quốc… Bức tranh kinh tế 2019 rất tốt, nhưng vấn đề là bức tranh kinh tế mới sẽ ra sao trong tầm nhìn 5-10 năm tới, khi thế giới toàn cầu hóa, thay đổi từng ngày. Nếu chúng ta không tìm ra nguồn lực mới, đi tắt đón đầu, đi vào công nghệ mới, kinh tế sẻ chia để có cách làm kinh tế mới... chắc chắn đây là khó khăn.

“Môi trường đầu tư kinh doanh nước ta đã được cải thiện một cách rõ rệt, được cộng đồng thế giới đánh giá rất cao, là điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, thu hút đầu tư…Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ, đổi mới, sáng tạo nhanh như vũ bão cũng là nền tảng quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Còn theo ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vinaconex, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phụ thuộc vào bản thân Chính phủ có tạo điều kiện cho DN tư nhân bứt phá hay không? Và chính DN tư nhân liệu có đủ năng lực, trình độ và sự quyết tâm bứt phá không?  Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Thanh cho biết, năm 2018, Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái vốn thành công ngoài mong đợi tại Vinaconex, nhà nước thu về gần 10.000 tỷ đồng. Sau khi chuyển đổi vào đầu năm 2019, trong kế hoạch, Vinaconex dự kiến doanh thu tăng trưởng 50% và lợi nhuận tăng 30%. Đây chính là bứt phá. Bản thân DN tự lo thân mình để bứt phá, tuy nhiên để làm được điều này cần có cơ chế.

Theo các diễn giả, “bứt phá” ở đây không phải chỉ là chỉ tiêu kinh tế mà bứt phá về tư duy, cải cách thể chế, nâng cao thủ tục hành chính… Tuy nhiên, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, những “bứt phá” nêu trên là những điều kiện cần, điều quan trọng mà DN quan tâm chính là chất lượng tăng trưởng tương lai của DN, tức là chất lượng bền vững. Đặc biệt, DN tư nhân cần có sự quan tâm đến các thành phần kinh tế, kể cả các DN lớn, DN nhỏ, DN startup. “Tôi tin là DN Việt Nam nhất là DN tư nhân đều kiên trì và quyết tâm bứt phá, nếu Chính phủ đưa ra sự công bằng và chính sách hợp lý đối với tất cả các thành phần kinh tế”, ông Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh thêm.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt kỷ lục về tăng trưởng DN. Bên cạnh việc tăng trưởng về số lượng DN, vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới cũng tăng 10,2%, đạt 11,3 tỷ đồng. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm nay là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2018 còn có 34 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước. Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh của DN đã có những thay đổi đáng ghi nhận, DN đã có nhiều thuận lợi để hoạt động và “bứt phá” trong năm 2019 – năm bản lề tăng tốc để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ có nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đưa ra những chính sách rất hợp lý, tuy nhiên, nhiều DN phản ánh, sự tương tác giữa chính sách đến DN thông qua cơ quan địa phương dường như “chưa có sự thay đổi” là mấy, thậm chí chi phí còn nhiều hơn trước, cản trở ở mức độ khác nhau còn nhiều. “Muốn bứt phá thì phải bứt phá cả tầng lớp dưới của bộ máy công quyền chứ không chỉ bứt phá tầng lớp trên”, ông Phạm Đình Đoàn kiến nghị.

Đồng quan điểm các chính sách chưa tác động nhiều đến cuộc sống DN, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nếu môi trường kinh doanh không có sự bứt phá, sự quyết liệt hơn và đổi mới thực chất hơn thì rất khó có thể cho DN bứt phá. Bởi lẽ DN không cần bảo họ bứt phá mà chỉ cần có 1 đường đua không chông gai thì họ có thể tự biết được làm gì.

Theo ông Nguyễn Kim Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tái cấu trúc DN Việt, trong thời kỳ 4.0, không khó khăn khi Chính phủ lập ra cổng thông tin, trực tiếp kết nối với Thủ tướng, chia các DN ra giai đoạn: DN ươm mầm, startup, DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa, DN lớn… mỗi DN đề xuất gì, mong muốn gì, thì mới có thể bứt phá được.

Tại buổi đối thoại, các diễn giả và chuyên gia đồng quan điểm chia sẻ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá” là phương châm 12 chữ của Chính phủ trong năm 2019 được đưa ra Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2018. Như vậy so với phương châm 10 chữ của năm 2018, Chính phủ xác định thêm phương châm “bứt phá”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “bứt phá” trong năm 2019, năm có vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 và cả chiến lược 10 năm 2011-2020. Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII cũng đã coi phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Hiện doanh nghiệp tư nhân đã nắm đất đai, làm bất động sản rất lớn và hoàn toàn thuộc về họ. Địa tô trong 10 năm trở lại đây chủ yếu là nằm trong tay doanh nghiệp tư nhân. Chính vì vậy, phải nhìn nhận thẳng là Nhà nước đã có cái nhìn hoàn toàn khác về khu vực này và giao nhiều cơ hội cho họ hơn trước.

Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế IFC:

Việt Nam cần đẩy mạnh hiệu quả kinh tế của khu vực kinh tế nhà nước để tương đồng với sự phát triển của kinh tế tư nhân và cần phải tạo sự công bằng giữa hai thành phần kinh tế này. Tất cả DN phải thực sự có sân chơi công bằng thì lúc đó Việt Nam mới thực sự tạo được sự bứt phá tăng trưởng kinh tế.

Ông Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài:

Nền kinh tế muốn bứt phá phải nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, phát triển tư nhân, hạn chế mặt trái của vốn Nhà nước. Nếu chúng ta đi đều đều thì khó có thể bắt kịp được.

Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam:

Hiện doanh nghiệp tư nhân chiếm 99% trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất nóng. Họ làm ngày, làm đêm vì kế sinh nhai và vì đồng tiền của mình. Không có lý do gì mà không nóng cả. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hiện nay "trên nóng", "dưới nóng" nhưng ở "giữa lạnh". Khu vực kết nối kinh tế, thực thi chính sách của Chính phủ là các địa phương, sở, ban, ngành còn chậm chễ thay đổi, chưa thống nhất và yếu kém năng lực, đã và đang cản trở nỗ lực của Chính phủ, của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUni, đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và khởi nghiệp:

Cần phải coi kinh tế tư nhân là thành phần chính của nền kinh tế và có chính sách ưu tiên phát triển một cách thực chất hơn nữa; cần phân cho kinh tế tư nhân những nguồn lực tích cực. Đồng thời, giảm đóng góp kinh tế của DNNN, những gì DN tư nhân làm được thì DNNN nên nhường lại để DN tư nhân làm để các cơ quan bộ, ngành chỉ còn phải tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Anh Thư - Thu Giang