Còn dư địa cho gói kích thích kinh tế mới?

00:00 12/10/2020

Nếu buộc phải cách ly xã hội một lần nữa, Việt Nam có còn nhiều dư địa cho một gói kích thích kinh tế mới?

Đợt bùng phát dịch mới đây tại Đà Nẵng đã khiến nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội từng phần. Chính phủ quyết tâm không để làn sóng dịch bệnh thứ 2 xảy ra ở Việt Nam, không để quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc.

Cần dài hơi hơn

Tuy nhiên, với sự phức tạp khó đoán của các ca nhiễm hiện tại, cũng có thể sẽ có những biện pháp mạnh hơn từ Chính phủ. Một câu hỏi đặt ra là nếu như trường hợp xấu nhất xảy ra, buộc phải cách ly xã hội trên diện rộng một lần nữa thì Việt Nam có còn nhiều dư địa cho một gói kích thích kinh tế mới hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?

Thực tế, Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia đề nghị các gói kích thích kinh tế dài hơi hơn cho 2 năm tới, chứ không riêng năm 2020. Bởi vì cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho họ thì không thể chỉ làm trong 1 năm. Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của COVID-19, cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn, gồm tái cơ cấu đầu tư, lao động... tăng sức chống chịu của nền kinh tế.


Lần hỗ trợ kinh tế trước của Chính phủ, cũng như nhiều nước, bao gồm cả 2 biện pháp tài chính và tiền tệ. Các gói kích thích tài khóa như giảm thuế và tiền thuê đất trị giá 180.000 tỉ đồng, tương đương 3% GDP; gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, hỗ trợ giá điện 11.000 tỉ đồng và hoãn đóng bảo hiểm xã hội 9.500 tỉ đồng.

Với các biện pháp tài khóa, theo thông tin từ Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 668.700 tỉ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đánh giá chung, đây là năm có tiến độ thu ngân sách so với dự toán đạt thấp nhất kể từ năm 2013. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Việt Nam có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách 5,2-5,4% GDP trong năm nay.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta, các gói hỗ trợ kích thích tài khóa trong bối cảnh hiện tại có thể mang nhiều ý nghĩa hơn các công cụ tiền tệ cho kinh tế Việt Nam. Theo đó, 3 gói kích thích tài khóa mà Việt Nam đang có vẫn chưa giải ngân hết với tổng quy mô tương đương 4,3% GDP, trong khi ở các nước như Thái Lan, Malaysia, con số này đã lên tới 10%.

Do đó, nếu so sánh một cách tương quan, vẫn còn dư địa cho một gói kích thích tài khóa lớn nữa. Ông Minh cũng chia sẻ quan điểm, 3 gói hỗ trợ trước chủ yếu nhắm vào người lao động, nếu gói hỗ trợ kế tiếp (nếu có) nhắm vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thì sẽ phù hợp hơn.

Diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn. Ảnh: Quý Hòa

Diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn. Ảnh: Quý Hòa

Malaysia có tỉ lệ nợ công khá giống Việt Nam, ở mức khoảng 52% GDP (năm 2019). Để giảm bớt thiệt hại kinh tế, các gói kích thích trị giá 69,2 tỉ USD đã được tung ra, tương đương 19% GDP, trong đó khoảng 15%, tương đương 10,4 tỉ USD, được bơm tài chính trực tiếp từ Chính phủ. Sau khi cân nhắc gói kích thích mới, Bộ trưởng Tài chính Tengku Zafrul Aziz cho biết thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi từ 3,2% sản lượng kinh tế năm ngoái lên 6% trong năm nay.

Mở room tín dụng đúng chỗ

Một nền kinh tế mới nổi khác là Brazil có tỉ lệ nợ công cao hơn cả Việt Nam, tới 76% GDP. Bộ Kinh tế Brazil vừa cho biết, thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2020 có thể lên đến 828,6 tỉ Real (155 tỉ USD) do thiệt hại của dịch COVID-19 gây ra, tương đương 12% GDP, còn con số thâm hụt ước tính theo Fitch Ratings là 14% GDP. Gói kích thích tài khóa của Brazil cũng không hề nhỏ, 150 tỉ USD, tương đương 12% GDP.
Singapore cũng là nước thứ 3 trong danh sách các nước ASEAN chi mạnh để đối phó với đại dịch. Singapore đã tung ra 4 gói kích thích, tổng giá trị đến gần 100 tỉ SGD (73 tỉ USD), tương đương gần 20% GDP. Nợ công của Singapore hiện ở mức khá cao, lên tới 126% GDP.

Hay nhìn sang một nước có nợ công cao như Mỹ, 107% GDP hồi cuối năm 2019. Theo Fitch Ratings, lượng tiền Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bơm vào nền kinh tế qua các gói nới lỏng định lượng mới dự kiến sẽ đạt 20% GDP. Nhiều chuyên gia dự báo, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể sẽ sớm vượt 3.700 tỉ USD, gấp 2,6 lần mức thâm hụt hồi khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Có vẻ như mức hỗ trợ kích cầu để phát huy tác dụng là 10-20% GDP. Năm 2003, Hồng Kông đã tung gói kích thích lên đến 1,5 tỉ USD (9% GDP Hồng Kông) để thúc đẩy nền kinh tế trong nước, giải quyết hậu quả sau đại dịch SARS. Do đó, với tổng quy mô 3 gói kích thích tài khóa hiện tại tương đương 4,3% GDP, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa rất lớn cho kịch bản xấu hơn.

Về biện pháp kích thích tiền tệ, trong 4 tháng nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có 2 lần giảm các mức lãi suất điều hành cùng với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng. Theo khảo sát, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay và cơ cấu lại nợ cho khách hàng. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm về mức thấp nhất lịch sử trong 6 tháng đầu năm và đang duy trì trạng thái đi ngang ở mức này.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng dư địa cho chính sách tiền tệ vẫn còn, đặc biệt là việc giảm thêm lãi suất, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hay sử dụng một phần quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Trong khi đó, theo ông Minh, thuộc Yuanta, dư địa của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn nhưng việc giảm lãi suất hơn nữa sẽ không mang lại nhiều giá trị khi tình hình cho vay đến nay vẫn rất chậm. Doanh nghiệp không mặn mà để vay khi mọi thứ chưa rõ ràng, cho dù lãi suất thấp. Ông kỳ vọng dòng vốn tín dụng sẽ được kích hoạt tốt nếu Chính phủ mở thêm room tín dụng cho những ngành đang cần vốn và sẵn sàng đón nhận như ngành chứng khoán là một ví dụ.

Khổng Hiệp