Chờ doanh nghiệp nhỏ… lớn mạnh

00:00 12/10/2020

Theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), từ 1/7/2019 Quỹ Phát triển DNNVV sẽ triển khai rất nhiều hỗ trợ cho DNNVV...

Ảnh minh họa

Về cho vay, Quỹ sẽ cho vay dưới hai hình thức: trực tiếp thực hiện cho vay đối với DNNVV và cho vay gián tiếp thông qua NHTM. Lãi suất cho vay trực tiếp bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của Quỹ đối với một DNNVV không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ; Thời hạn  cho vay không quá 07 năm…

Thực tế, Quỹ Phát triển DNNVV đã được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Một số NHTM đang tham gia nhận ủy thác cho vay vốn của Quỹ.

Chúng ta đặt mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020. Từ 2016 đến 2018, mức tăng trưởng số DN thành lập mới trên 100 nghìn doanh nghiệp/năm. Năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến cuối tháng 4/2019, cả nước có 43.305 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 542.451 tỷ đồng. Với tốc độ này, khả năng đạt được số lượng DN là có thể. Vấn đề là DN Việt Nam đang ngày càng… nhỏ đi. Hiện có hơn 600.000 DN, trong đó (500.000 là DN tư nhân), hơn 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa và chỉ có 2% là DN lớn.

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết: Khả năng tài chính của các DN này bị hạn chế. Một trong những cản trở lớn nhất của DNNVV hiện nay là không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp; hoặc không có phương án sản xuất kinh doanh hay không có các dự án khả thi để các NHTM xem xét cho vay...

Nếu đánh từ khóa “Cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ” vào công cụ tìm kiếm của Google sẽ cho ra khoảng 9.080.000 kết quả (0,43 giây). Phần lớn nội dung là các chương trình hỗ trợ của NHTM dành cho DNNVV. Kết quả này dường như là tất yếu. Bởi lâu nay, thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo các TCTD luôn tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV. Theo số liệu công bố mới nhất của NHNN, tính đến cuối tháng 3/2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 1,84%, chiếm 18% (năm 2018 tăng 15,57%).

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được tổ chức ở cả 63 tỉnh, thành phố nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện cho DN được tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý. Trong năm 2018, đã có trên 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và DN được tổ chức trên toàn quốc.

Qua chương trình, các ngân hàng đã cam kết cho vay mới hơn 800.000 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân gần 900.000 tỷ đồng cho trên 50.000 DN và một số đối tượng khác; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ cho gần 3.300 DN và một số đối tượng khách hàng khác… Có thể thấy, với thực tại của các DNNVV như trên, để có được kết quả này, ngành Ngân hàng đã nỗ lực như thế nào.

Làm thế nào để DNNVV tiếp cận được vốn nhiều hơn là câu hỏi cũ mà nhiều năm nay các bộ, ngành, và đặc biệt là các TCTD luôn tìm câu trả lời. Đã có nhiều, rất nhiều và ngày càng nhiều hơn không chỉ là chủ trương, chính sách, mà cả hành động cụ thể để hỗ trợ DNNVV. Xem ra câu hỏi cần được quan tâm hơn lúc này là: Bao giờ DN Việt Nam lớn mạnh?

An Bình