Xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế: Chính sách cụ thể sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý

18:25 10/04/2022

Các chứng từ doanh nghiệp phải nộp/xuất trình cho cơ quan Hải quan khi thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu khi được cụ thể hóa sẽ hỗ trợ tạo thuận lợi để thông quan hàng hóa và đảm bảo quản lý.

Cần quy định cụ thể chứng từ thực hiện thủ tục hải quan

Đây là một trong những nội dung Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) góp ý xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết và biện pháp thực hiện một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế.

Cụ thể, về chứng từ khi thực hiện thủ tục hải quan, Điều 46, 47 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP quy định nguyên tắc quản lý xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế, tuy nhiên chưa quy định cụ thể những chứng từ gì phải nộp/xuất trình cho cơ quan Hải quan khi thực hiện thủ tục (ví dụ: Số công bố tiêu chuẩn áp dụng; Số giấy chứng nhận đăng ký lưu hành; Bản kết quả phân loại trang thiết bị y tế; Giấy phép nhập khẩu). Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế xem xét hướng dẫn cụ thể tại dự thảo Thông tư các chứng từ tương ứng doanh nghiệp phải nộp/xuất trình cho cơ quan Hải quan khi thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể Bản kết quả phân loại trang thiết bị y tế sử dụng trong trường hợp nào? Nếu doanh nghiệp đã có Số công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế loại A, B hoặc Số giấy chứng nhận đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại C, D hoặc Giấy phép nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền cấp thì có yêu cầu nộp/xuất trình thêm Bản kết quả phân loại trang thiết bị y tế hay không?

Bộ Tài chính cũng góp ý đối với khoản 3 Điều 7 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP quy định “cơ quan Hải quan có trách nhiệm không giải quyết thủ tục thông quan” đối với trường hợp trang thiết bị y tế đã được cấp số lưu hành mà có sử dụng Bản kết quả phân loại đã bị thu hồi và lô hàng đã được thông quan nhưng chưa bán đến người sử dụng là không khả thi với cơ quan Hải quan vì thực tế lô hàng đã được thông quan. Do đó Bộ Y tế cần xem xét hướng dẫn nội dung này tại dự thảo Thông tư theo hướng giao cho các cơ quan chức năng đã ra quyết định thu hồi Bản kết quả phân loại theo dõi, xử lý.

Đối với quy định về số lưu hành, khoản 1 Điều 21 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP thì số lưu hành của trang thiết bị y tế quy định:

“a) Số công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế loại A, B;

b) Số giấy chứng nhận đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế thuộc loại C, D”

Như vậy, biện pháp quản lý trang thiết bị y tế theo số lưu hành gồm 2 loại: (i) Số công bố tiêu chuẩn (loại A, B) hoặc (ii) Số giấy chứng nhận đăng ký lưu hành (loại C, D).

Trong khi đó, tại Phụ lục II dự thảo thông tư đã xây dựng Danh mục các trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D được mua bán như hàng hóa thông thường (ví dụ: máy đo huyết áp cá nhân, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) loại dùng pin kẹp ngón tay, máy hút mũi trẻ em…). Tuy nhiên vẫn chưa rõ mặt hàng nào thuộc loại B, mặt hàng nào thuộc loại C, D để cơ quan Hải quan có cơ sở đối chiếu yêu cầu doanh nghiệp xuất trình chứng từ tương ứng khi thực hiện thủ tục nhập khẩu. Do đó Bộ Y tế cần xây dựng tách bạch 2 Danh mục: Danh mục các trang thiết bị y tế loại A, B và Danh mục các trang thiết bị y tế loại C, D làm cơ sở thực hiện khoản 1 Điều 21 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai.

Cụ thể hướng dẫn về giấy phép nhập khẩu

Về giấy phép nhập khẩu, tại khoản 1 Điều 48 Nghị định quy định các trường hợp nhập khẩu trang thiết bị y tế phải có Giấy phép nhập khẩu, cụ thể gồm các trường hợp như: trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành nhập khẩu chỉ để phục vụ nghiên cứu khoa học, kiểm định, kiểm nghiệm, khảo nghiệm…; trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa; trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành nhập khẩu để phục vụ mục đích viện trợ, viện trợ nhân đạo; quà tặng, quà biếu cho cơ sở y tế…

Đây là những nội dung quy định về loại hình nhập khẩu phải áp dụng biện pháp quản lý theo Giấy phép nhập khẩu. Ngoài ra, Điều 48 không có quy định khác về thẩm quyền ban hành và nguyên tắc quản lý việc nhập khẩu nhóm hàng này theo Danh mục trang thiết bị y tế phải cấp giấy phép nhập khẩu. Bởi thuật ngữ Danh mục trang thiết bị y tế phải cấp giấy phép nhập khẩu chỉ xuất hiện tại điểm d khoản 2 Điều 76 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP để hướng dẫn nội dung về điều khoản chuyển tiếp. Như vậy chưa rõ căn cứ pháp lý về việc sử dụng Danh mục này sẽ áp dụng biện pháp quản lý theo Giấy phép như thế nào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Từ đó, theo Bộ Tài chính, sẽ phát sinh vướng mắc khi nhập khẩu trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành, cơ quan Hải quan căn cứ loại hình nhập khẩu của doanh nghiệp theo khoản 1 Điều 48 hay căn cứ Danh mục trang thiết bị y tế phải cấp giấy phép nhập khẩu hay cả hai điều kiện này để làm cơ sở xác định mặt hàng nhập khẩu có thuộc đối tượng phải cấp phép hay không? Chẳng hạn trường hợp trang thiết bị y tế nhập khẩu theo loại hình thuộc quy định tại khoản 1 Điều 48 nhưng không có tên trong Danh mục phải cấp giấy phép nhập khẩu hoặc ngược lại mặt hàng có tên trong Danh mục nhưng không nhập khẩu theo một trong những loại hình quy định tại khoản 1 Điều 48 thì cơ quan Hải quan có yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình Giấy phép nhập khẩu hay không.

Ngoài ra, nhiều nội dung khác liên quan đến quản lý trang thiết bị y tế cũng được Bộ Tài chính góp ý để Bộ Y tế hoàn thiện thông tư như: về chất thử, hóa chất chẩn đoán dùng cho trang thiết bị y tế; danh mục trang thiết bị y tế; quản lý giá trang thiết bị y tế và hiệu lực thi hành.

Theo TCHQ