Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng vượt dự kiến trong tháng 5. Điều này đã làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể duy trì đà tăng trưởng bằng cách dựa vào thị trường nước ngoài, ngay cả khi phải đối mặt với các mối đe dọa thuế quan mới.
Cơ quan hải quan cho biết vào hôm thứ Sáu rằng, xuất khẩu đã tăng 7,6% tính theo đồng đô la so với một năm trước đó, trong khi nhập khẩu tăng 1,8%. Điều đó khiến thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt gần 83 tỷ USD trong tháng. Trước đó, các nhà kinh tế đã dự báo xuất khẩu sẽ tăng 5,7% và nhập khẩu tăng 4,3%.
Bắc Kinh đang dựa vào doanh số bán hàng ở nước ngoài để bù đắp cho chi tiêu tiêu dùng trong nước yếu, khi mà thị trường bất động sản sụt giảm đã khiến các hộ gia đình thắt lưng buộc bụng. Các con số vào hôm thứ Sáu cho thấy chiến lược này đang mang lại hiệu quả kể từ đầu năm đến nay. Nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đã tạo động lực thuận lợi cho cả các quốc gia châu Á khác. Cụ thể, xuất khẩu của Hàn Quốc đạt mức cao nhất trong gần hai năm vào tháng 5, dẫn đầu là doanh số bán dẫn.
Ông Bruce Pang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle Inc, cho biết: “Hàng hóa cạnh tranh của Trung Quốc đang ngày càng chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường toàn cầu”. Ông cho biết, động lực này có thể sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi đồng đô la mạnh cũng như việc giảm giá bởi các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng, có thể khiến tăng trưởng kinh tế dựa vào động lực xuất khẩu trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, trong các ngành công nghệ cao như xe điện, các nền kinh tế phát triển bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu đang dựng lên các rào cản thương mại.
Điều đó vẫn chưa ảnh hưởng tới xuất khẩu ô tô của Trung Quốc. Dữ liệu hôm thứ Sáu cho thấy giá trị doanh số bán hàng ở nước ngoài trong tháng 5 chỉ đứng sau mức cao kỷ lục, giảm nhẹ so với 10,7 tỷ USD của tháng 4. Tuy nhiên, thị trường rộng lớn ở châu Âu sắp trở nên khó tiếp cận hơn, với mức thuế mới cho xe điện Trung Quốc dự kiến sẽ được áp dụng vào tháng tới.
Ông Pang cho biết, hiện tại các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang “tiếp tục gom hàng trước hoặc định tuyến lại xuất khẩu qua nước thứ ba” để tránh thuế.
Xuất khẩu sang Mỹ tăng 4,8% so với một năm trước, cao nhất trong vòng 3 tháng, trong khi xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN tăng 25% và xuất khẩu sang EU giảm 0,7%.
Xuất khẩu thép đạt tổng sản lượng hàng tháng cao thứ hai kể từ năm 2016, với 9,6 triệu tấn được bán ra vào tháng trước. Tuy nhiên, giá trị các lô hàng tiếp tục giảm. Hiện vẫn chưa có số liệu tháng 5 nhưng giá xuất khẩu sắt thép đã giảm kể từ cuối năm 2022 cùng với giá của nhiều mặt hàng khác.
Nhu cầu trong nước yếu đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất Trung Quốc tìm kiếm thị trường nước ngoài, bao gồm cả những ngành như thép và thiết bị xây dựng vốn đã mất khách hàng trong nước khi vỡ bong bóng nhà đất và việc xây dựng bị đình trệ.
Sự thay đổi đó đã thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị thấp bên cạnh các ngành công nghệ cao vốn là ưu tiên của Bắc Kinh. Điều này có nguy cơ tạo ra phản ứng dữ dội mới từ các đối tác thương mại, bao gồm các nền kinh tế mới nổi cũng như các nền kinh tế phát triển đang tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp của mình.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Zichun Huang tại Capital Economics, mức thuế sắp tới “không có khả năng đe dọa ngay lập tức đến xuất khẩu”. “Trái lại nó có thể thúc đẩy xuất khẩu ở mức cận biên khi các công ty tăng tốc độ xuất hàng trước khi mức thuế quan mới có hiệu lực”.
Chứng khoán Trung Quốc phần lớn vẫn giữ nguyên mức giảm trước đó sau khi dữ liệu thương mại được công bố. Chỉ số CSI 300 trong nước giảm 0,7% tính đến hết phiên buổi sáng, trong khi chỉ số chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông giảm 0,9%.
Lân Nguyễn (theo Bloomberg)