Xây dựng chuỗi cung ứng mới để thích ứng với các thách thức lớn hơn

17:34 01/11/2021

Câu hỏi đặt ra là nếu các rủi ro như năng lượng, dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu là Trung Quốc thì chiến lược ứng phó của các quốc gia và các công ty lớn là gì?

  Bên trong một nhà máy sản xuất chip Intel. Nguồn: Internet

Khi giá dầu lên gần 80 đô la Mỹ/thùng vào tháng 10 năm nay, Trung Quốc tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu phân bón. Đồng thời, việc thiếu điện tại 20 tỉnh, thành trong cả nước khiến sản xuất công nghiệp của quốc gia này bị ảnh hưởng mạnh. Tháng 9-2021, tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc chỉ đạt 3,1%, bằng một nửa so với mức tăng trưởng đầu quí.

Trong khi đó, giá sản xuất công nghiệp đã tăng tới 10,7% – cao nhất kể từ năm 2008 đến nay và cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với tháng 8-2021. Điều này khiến nguồn cung các sản phẩm trung gian, linh phụ kiện và cả thành phẩm công nghiệp của Trung Quốc ra thế giới bị ảnh hưởng lớn.

Bên cạnh đó, các hạn chế ra vào cảng tại các cảng container lớn để kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 khiến hoạt động cung ứng hàng hóa càng thêm khó khăn khi Trung Quốc chiếm tới 30% lượng container toàn cầu.

Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI) và các khuôn khổ đang định hình

Cách đây hơn một năm, vào ngày 1-9-2020, 3 nước Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã cùng nhau đề xuất thực hiện Sáng kiến chuỗi cung ứng vững chắc (RSCI). Trọng tâm của sáng kiến này là thu hút các nhà sản xuất trong bốn lĩnh vực trọng điểm bao gồm chất bán dẫn, ô tô, dược phẩm và viễn thông ra khỏi Trung Quốc và định vị lại chúng ở những quốc gia không có mối đe dọa an ninh. Nhưng bên cạnh đó, dầu mỏ, dệt may và thép cũng là những ngành trọng tâm trong khuôn khổ sáng kiến này.

SCRI đang tìm cách tái cấu trúc mạng lưới sản xuất xuyên biên giới và quan hệ thương mại chủ yếu dựa trên các yếu tố địa chiến lược thay vì là các yếu tố kinh tế cơ bản như hiệu quả chi phí. Vì thế, để triển khai chúng, ba chính phủ sẽ sử dụng các cơ chế tài chính, chính sách thu hút đầu tư để định vị chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp, bao gồm các công ty đầu mối, nhà cung cấp và nhà phân phối trên các chuỗi cung ứng khác nhau, sẽ được đền bù khi di chuyển đến các địa điểm kém hiệu quả hơn so với Trung Quốc. Nhật Bản đang trợ cấp cho các doanh nghiệp của mình để di dời khỏi Trung Quốc và được đề nghị chuyển trở lại Nhật Bản, sang Đông Nam Á, Ấn Độ và Bangladesh.

Các sáng kiến xây dựng chuỗi cung ứng mới không chỉ tập trung vào chuỗi cung ứng sản xuất mà còn liên quan đến cả các chuỗi cung ứng thiết yếu khác, đó là chuỗi cung ứng về vật tư y tế và vaccine và chuỗi cung ứng về cơ sở hạ tầng.

Trong khi mục tiêu rộng lớn của sáng kiến là thúc đẩy, mở rộng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chúng ta có thể nhận thấy rằng, mục tiêu dài hạn là những quốc gia khởi xướng sáng kiến này có thể hướng đến định hình một hiệp định thương mại tự do khác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm tạo ra một liên minh chuỗi cung ứng có tính bền vững và ít bị can dự bởi các yếu tố chính trị trong khu vực. Vì thế, các cuộc gặp cấp bộ trưởng bên lề khuôn khổ SCRI giữa ba nước Ấn Độ, Nhật Bản, Úc đã thảo luận về các kế hoạch hành động cụ thể bao gồm thương mại điện tử, các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, xác định các lĩnh vực khác để cùng hợp tác.

Ngoài SCRI, chúng ta có thể nhận thấy nhiều khuôn khổ hợp tác nhằm định hình lại chuỗi cung ứng ở khu vực cũng đang diễn ra chóng vánh sau đại dịch. Tín hiệu đáng mừng là các khuôn khổ này đều tiến hành ở cấp lãnh đạo cao nhất và sớm được thể chế hóa.

Tháng 2-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu xây dựng một chuỗi cung ứng công nghệ mới “không có Trung Quốc” bằng cách bắt tay với nhiều nước khác. Bốn lĩnh vực trọng tâm mà sắc lệnh này hướng tới là các ngành sản xuất chất bán dẫn, pin xe điện, đất hiếm và vật tư y tế. Như vậy có thể thấy, trọng tâm ban đầu của chuỗi cung ứng mới mà Mỹ hướng tới có sự trùng khớp khá nhiều với những gì mà SCRI đang thảo luận.

Cũng sau khi có sắc lệnh này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu tổ chức Đại diện Thương mại Mỹ đánh giá toàn diện chuỗi cung ứng bắt đầu từ những ngành ưu tiên nêu trên trong vòng 200 ngày. Sau 365 ngày kể từ khi ra sắc lệnh, nhóm chuyên trách sẽ trình lên Tổng thống các khuyến nghị về những việc nên làm với chuỗi cung ứng để giữ vững ổn định, tránh tình trạng độc quyền và khả năng gây tổn hại cho Mỹ từ “các quốc gia kém thân thiện”.

Những bước tiến ban đầu của các sáng kiến

Có thể thấy nòng cốt của các sáng kiến phục hồi và tái cấu trúc chuỗi cung ứng là các nước thuộc nhóm QUAD (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc). Quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thay thế Trung Quốc để trở thành “công xưởng tiếp theo của thế giới” chính là Ấn Độ. Ấn Độ đã ý thức được điều này và có nhiều bước đi mạnh mẽ để giành lấy cơ hội đó. Không chỉ thể hiện tiếng nói và sự tham gia tích cực, thực chất hơn vào hợp tác của QUAD, Ấn Độ đã thay đổi nhiều chính sách kinh tế có liên quan.

Chẳng hạn, Chính phủ Ấn Độ gần đây đã cho phép các dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đầu tư theo dạng các hợp đồng chế tạo, với trọng tâm là tăng tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực chế tạo, sản xuất trong tổng số vốn FDI. Ngoài ra, một khoản chi khoảng 1,85 tỉ đô la Mỹ cho phát triển cơ sở hạ tầng tại các cảng thiết yếu trong nước đã được lên kế hoạch nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu các sản phẩm chế biến chế tạo này. Các công ty 100% vốn FDI được cấp phép đầu tư vào các dự án cảng biển và được miễn thuế 10 năm.

Nhưng các sáng kiến xây dựng chuỗi cung ứng không chỉ tập trung vào chuỗi cung ứng sản xuất mà còn liên quan đến cả các chuỗi cung ứng thiết yếu khác, đó là chuỗi cung ứng về vật tư y tế và vaccine và  chuỗi cung ứng về cơ sở hạ tầng.

Thứ nhất, về chuỗi cung ứng phục hồi sau đại dịch nhờ dựa vào vaccine. Ý tưởng của nhóm QUAD là muốn Mỹ phát triển vaccine, sản xuất ở Ấn Độ, và được tài trợ bởi Nhật Bản và Mỹ, cũng như được hỗ trợ bởi Úc thông qua hậu cần và phân phối cuối cùng. Sáng kiến này có tiềm năng nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm của Ấn Độ và tăng xuất khẩu sang khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Mục tiêu của sáng kiến chuỗi cung ứng vaccine là cung cấp 1 tỉ liều cho ASEAN vào cuối năm 2022. Vai trò của Ấn Độ trong sáng kiến này có thể củng cố uy tín của quốc gia này với tư cách là nhà sản xuất vaccine chất lượng đáng tin cậy và danh tiếng là “hiệu thuốc của thế giới”. Ngoài ra, việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của Ấn Độ.

Thứ hai, chuỗi cung ứng về sản xuất trong các ngành chiến lược được ưu tiên. Một mục tiêu mà các sáng kiến như SCRI hướng tới là hợp tác giải quyết vấn đề Trung Quốc chi phối các chuỗi cung ứng bằng cách tạo ra các chuỗi giá trị mới cho công nghệ tái tạo. Một điểm thú vị là điều này đã được thúc đẩy ngay trong khuôn khổ của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết, cho dù Ấn Độ không phải là thành viên.

Trong RCEP, cả Nhật Bản và Úc đã cố gắng lồng ghép các nội dung về năng lượng tái tạo vào hiệp định. Một chuỗi công nghệ năng lượng mặt trời do nhóm QUAD dẫn đầu đã hướng tới việc xây dựng các cơ sở sản xuất thay thế ở Ấn Độ. Điều này sẽ giúp các thành viên liên minh đạt được các mục tiêu về năng lượng mặt trời của họ. Một mục tiêu khác là thu mua kim loại đất hiếm, giúp các thành viên liên minh có thể đứng vững trước sự thống lĩnh của Trung Quốc.

Theo báo cáo khảo sát địa chất của Mỹ, Trung Quốc sản xuất gần 58% kim loại đất hiếm trên thế giới vào năm 2020, giảm so với mức 90% cách đây bốn năm, khi Mỹ và Úc tăng dần sản lượng. Những thành phần trong đất hiếm rất quan trọng đối với việc sản xuất điện thoại thông minh, máy tính, ổ đĩa cứng, máy tính xách tay, động cơ hiệu suất cao, pin xe điện, tuabin gió và các thành phần khác của cơ sở hạ tầng “phi cacbon”.

Năm 2020, Mỹ, Úc và Ấn Độ lần lượt chiếm 16%, 7% và 1% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Ấn Độ chiếm 6% trữ lượng đất hiếm trên thế giới, trong khi Nhật Bản là một trong những nước tiêu thụ đất hiếm lớn nhất. Nhu cầu toàn cầu về các nguyên tố đất hiếm có thể đạt mức 51.900 tấn vào năm 2030 do đó một liên minh như vậy sẽ giúp các ngành công nghiệp trọng yếu của thế kỷ này không bị gián đoạn nếu có các rủi ro xuất hiện.

Trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, các đại diện Mỹ tại vùng lãnh thổ Đài Loan đã liên tục gặp những công ty trong lĩnh vực sản xuất chip và đặt vấn đề chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, chuỗi cung ứng chất bán dẫn “không Trung Quốc” đã dần thành hình.

Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã đồng ý mở nhà máy sản xuất chip 12 tỉ đô la Mỹ tại Arizona (Mỹ) hồi năm 2020. Chính phủ Nhật Bản cũng trải thảm đỏ và dành 1,9 tỉ đô la Mỹ để đón TSMC. Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã thành công trong việc thu hút TSMC xây dựng trung tâm nghiên cứu sản phẩm trị giá 20 tỉ yen tại Nhật Bản vào tháng 2-2021.

Thứ ba, về sáng kiến hợp tác đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Vào tháng 4-2021, tại cuộc họp thượng đỉnh của nhóm QUAD, lãnh đạo của bốn quốc gia Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã đồng ý lập một hội đồng chuyên gia cơ sở hạ tầng mới để bắt đầu xem xét các dự án trên toàn khu vực và tìm cách tài trợ cho các dự án này. Họ cũng sẽ điều phối các nỗ lực hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực, bao gồm cả với các đối tác trong khu vực, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Mối quan hệ giữa khuôn khổ này với các chính sách chuyển dịch chuỗi cung ứng đó là nó cung cấp phần cứng (hardware) cho các hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu. Trung Quốc sở dĩ có thể là một “siêu cường chuỗi cung ứng” một phần là bởi quốc gia này có năng lực vận tải biển vượt trội.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (VNUA)