Trong buổi họp báo ngày 26/8, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), đã công bố rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu tăng tốc, với mức tăng trưởng GDP đạt 6,4% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi này chủ yếu nhờ vào việc xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến tăng trở lại, cùng với mức đầu tư và tiêu dùng cao hơn.
Tuy nhiên, dù nền kinh tế đang hồi phục, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 8,8%, một mức tăng trưởng ổn định từ cuối năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn so với mức trung bình 11,6% trước đại dịch. Tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân trong nửa đầu năm 2024 đạt 3,9%, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình hàng năm là 4,7% trong giai đoạn 2017-2019. Đầu tư công cũng chững lại, chỉ tăng 4% trong nửa đầu năm 2024 so với mức 20,5% của nửa đầu năm 2023.
Ngân sách nhà nước thặng dư 4,2% GDP trong nửa đầu năm 2024, tăng so với mức 1,5% trong nửa đầu năm 2023, nhờ thu ngân sách tăng lên và chi ngân sách giảm. Thu ngân sách đã tăng lên 19,5% GDP, chủ yếu từ thu đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, chi ngân sách giảm từ 17% GDP xuống còn 15,4% GDP, do việc cắt giảm chi thường xuyên và giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn.
Triển vọng kinh tế của Việt Nam được đánh giá là tích cực, với dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và tăng lên 6,5% trong các năm 2025-2026. Tuy nhiên, dự báo này đã tính đến sự chững lại của xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến trong nửa cuối năm 2024 do nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, dự kiến sẽ giảm.
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi và dự kiến sẽ xoay chiều vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 sau khi các vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp được giải quyết và Luật Đất đai mới có hiệu lực từ tháng 8/2024. Khi xuất khẩu tăng trưởng và thị trường bất động sản hồi phục, nhu cầu trong nước dự kiến sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2024, đồng thời cân đối tài khoản vãng lai sẽ duy trì mức thặng dư nhỏ. WB dự báo lạm phát ở mức 4,5% trong năm 2024, 4% trong năm 2025, và giảm xuống 3,5% vào năm 2026.
Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo rằng, một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế là sự bất định về tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là từ các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và Trung Quốc. Sự sụt giảm tăng trưởng từ các thị trường này có thể ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Việt Nam và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, nếu thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn dự kiến hoặc chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục giảm, khả năng cho vay của các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Biến đổi khí hậu và các thiên tai liên quan cũng là một rủi ro lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Mặc dù vậy, triển vọng kinh tế cũng có thể được hưởng lợi nếu tăng trưởng toàn cầu vượt kỳ vọng. Chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ các nền kinh tế phát triển có thể thúc đẩy tổng cầu và xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời giúp giảm chi phí huy động tài chính trên toàn cầu, có lợi cho ngành ngân hàng và tài chính tại Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế chưa quay lại mức tăng trưởng trước đại dịch, WB nhấn mạnh rằng việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là cần thiết để hỗ trợ tổng cầu ngắn hạn và khắc phục những thiếu hụt hạ tầng đang phát sinh. Đồng thời, các cải cách cơ cấu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng bền vững lâu dài, đặc biệt là trong việc quản lý đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
P.V (t/h)