Công ty CP Chứng khoán VNDirect (VNDirect) vừa công bố báo cáo dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, khi dự kiến GDP quý 4/2023 sẽ tăng 7%, so với cùng kỳ năm trước, đồng thời dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm đạt mức 5%.
Dự báo của VNDirect đánh dấu sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Công ty chứng khoán này lập luận rằng những dữ liệu tích cực như chỉ số Sản Xuất Công Nghiệp (IIP) đạt mức tăng cao kể từ tháng 11/2022, vốn FDI đăng ký theo tháng cao kỷ lục từ tháng 1/2020 và chỉ số Giá Tiêu Dùng (CPI) giảm xuống 3,59% vào tháng 10/2023 là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế.
Với tình hình tích cực này, VNDirect kỳ vọng rằng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện tốc độ tăng trưởng, dự báo đạt mức 6,3% vào năm 2024.
Các yếu tố chính đằng sau dự báo tích cực bao gồm sự hồi phục mạnh mẽ của hoạt động sản xuất và xuất khẩu, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa, khôi phục của thị trường bất động sản, và sự tăng trưởng của đầu tư tư nhân. Những yếu tố này đang góp phần quan trọng vào sự ổn định và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
VNDirect dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng từ 7,5-8,0% trong năm 2024, đánh dấu một sự cải thiện đáng kể so với mức giảm 4,5% dự kiến trong năm 2023. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu được dự báo sẽ tăng 9,0-9,5%, cải thiện từ mức giảm 9% dự kiến trong năm nay.
Chính phủ dự kiến sẽ duy trì các gói kích thích tài chính, bao gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong nửa đầu năm 2024. Thị trường bất động sản cũng dự kiến sẽ phục hồi, được hỗ trợ bởi xử lý vướng mắc pháp lý và các biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn.
Lãi suất cho vay được dự báo giảm 2-3% so với đầu năm 2023, thúc đẩy nhu cầu vay mua nhà và cải thiện tình hình tài chính doanh nghiệp bất động sản. VNDirect kỳ vọng đầu tư tư nhân sẽ phục hồi nhờ doanh nghiệp triển khai dự án mới và mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, VNDirect cũng nhấn mạnh ba rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024, bao gồm lạm phát ở Mỹ và châu Âu, mức độ mạnh của Đô la Mỹ (DXY), và tăng trưởng chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Nhóm phân tích cho rằng những yếu tố này có thể gây áp lực và ảnh hưởng đến các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế.
PV (t/h)