Báo cáo từ VNDIRECT nhấn mạnh, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều áp lực từ bên ngoài, Việt Nam cần tập trung vào các động lực tăng trưởng trong nước như tiêu dùng nội địa, đầu tư tư nhân và đầu tư công trong năm 2025. Sau mức tăng trưởng khiêm tốn năm 2024, báo cáo kỳ vọng Chính phủ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Đồ thị tăng trưởng theo ngành |
Ngoài ra, nguồn thu ngân sách nhà nước được cải thiện đáng kể trong năm 2024 đã tạo dư địa lớn cho các chính sách tài khóa. Chính phủ có thể tiếp tục thực hiện các biện pháp như giảm thuế, phí để kích cầu tiêu dùng nội địa. Báo cáo khẳng định, nền kinh tế Việt Nam có khả năng duy trì mức tăng trưởng ổn định nhờ những nội lực đã được củng cố qua nhiều năm. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 được điều chỉnh giảm từ 6,9% xuống 6,6% để phản ánh những tác động tiêu cực từ chính sách bảo hộ thương mại toàn cầu và sự tăng giá của đồng USD.
Liên quan đến các chính sách thuế quan của Mỹ, chuyên gia VNDIRECT đã phân tích ba kịch bản tác động đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam:
Kịch bản tích cực: Trung Quốc bị áp thuế 60% và không áp dụng thuế phổ thông. Việt Nam được dự báo tăng trưởng xuất khẩu vượt 8%, nhờ chênh lệch thuế quan lớn với Trung Quốc và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, chi phí lao động thấp cùng vị trí chiến lược.
Kịch bản cơ sở: Trung Quốc bị áp thuế 60%, các quốc gia khác bị áp thuế 10-20%. Trong trường hợp này, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo duy trì ổn định ở mức 8% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi thế về chênh lệch thuế quan với Trung Quốc được kỳ vọng giúp Việt Nam giữ được thị phần tại thị trường Mỹ.
Kịch bản tiêu cực: Trung Quốc bị áp thuế 60%, các quốc gia khác bị áp thuế 10-20%, và Việt Nam bị áp thuế bổ sung. Xuất khẩu Việt Nam được dự báo giảm mạnh, không chỉ do thuế bổ sung mà còn từ rủi ro gia tăng điều tra phòng vệ thương mại và áp lực cạnh tranh với các quốc gia có lợi thế tương tự. Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào loại hàng hóa, mức thuế hiện hành và thời điểm áp dụng.
Báo cáo nhấn mạnh rằng các kịch bản này không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, mà còn đặt ra thách thức lớn về chiến lược duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ. Để vượt qua những khó khăn này, Việt Nam cần tiếp tục tận dụng lợi thế sẵn có, đồng thời linh hoạt ứng phó với biến động trong thương mại toàn cầu.