Ngày 12/2/2020 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA. Hiệp định này còn chờ Quốc hội Việt Nam thông qua, dự kiến vào tháng 6 năm nay. Nếu Quốc hội thông qua và Việt Nam kịp làm thủ tục thông báo với Liên minh châu Âu, thì có thể ngay từ thời điểm 1/7/2020, EVFTA chính thức đi vào thực thi.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và người dân hai bên. Đối với Việt Nam, tuyến đường cao tốc này sẽ đưa hàng hóa trong nước đến châu Âu và đón dòng hàng chất lượng cao, vốn đầu tư từ hướng ngược lại.
Đánh giá về lợi thế so sánh của hàng hóa cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi nước ta tham gia EVFTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường EU là một trong những thị trường quan trọng của Việt Nam, những năm trước đây, xuất khẩu của Việt Nam sang EU chiếm khoảng 18-19%.
Nhìn nhận dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, việc tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp sang thị trường này thì một trong những ưu đãi để chúng ta tận dụng đưa hàng hóa vào EU chính là ưu đãi thuế quan GSP. Việc thực thi hiệp định này sẽ giúp cho doanh nghiệp chuyển đổi từ ưu đãi ngắn hạn sang ưu đãi dài hạn hơn.
"Chúng ta hy vọng với thị trường lớn như EU thì doanh nghiệp có điều kiện để khai thác. Nhưng không phải cứ có đường cao tốc là tất cả cùng phát triển, cần phải có sự chuẩn bị, vào cuộc của từng ngành, từng doanh nghiệp cụ thể. Hiệp định mới là đường cao tốc mới, chúng ta cần điều chỉnh cách làm để phù hợp với hạ tầng thì chúng ta mới tận dụng được tốt hơn những cơ hội và nền kinh tế của chúng ta phát triển dài hạn", ông Lương Hoàng Thái cho hay.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn trong tổng thể chung, rõ ràng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn các doanh nghiệp EU, tuy nhiên, trong một số ngành nhất định chúng ta vẫn có lợi thế vượt trội.
Nền kinh tế Việt Nam với EU về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà là cạnh tranh bổ sung. Trong điều kiện như vậy, về năng lực cạnh tranh chúng ta có thể tận dụng được cơ hội từ EVFTA nhưng không có nghĩa là chúng ta không cần làm gì mà thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần điều chỉnh nhất định trong sản xuất.
Ví dụ như đáp ứng các quy tắc xuất xứ, chúng ta làm sao để có thể mua nguồn cung nội địa, có thể đắt hơn mua của một số nước xung quanh nhưng nó lại mang cho chúng ta lợi thế khi sản xuất hàng cho thị trường EU, hay như các quy trình sản xuất làm sao đáp ứng các quy tắc xuất xứ… để đáp ứng được những tiêu chuẩn này, doanh nghiệp mất rất nhiều chi phí. Vì vậy, doanh nghiệp cần có sự đầu tư, thay đổi để phát triển.
Cũng theo bà Trang, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận đánh đổi những năm đầu tiên khi tham gia EVFTA. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam phải mất chi phí ban đầu để đầu tư, thay đổi để đáp ứng các điều kiện của EVFTA để được hưởng lợi. "Có những cam kết về mặt quy tắc làm thay đổi thể chế, thay đổi tiêu chuẩn, quy định pháp luật như liên quan đến lao động hay sở hữu trí tuệ. Tất cả những cái đó sẽ làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Cơ bản ban đầu doanh nghiệp sẽ mất những chi phí như vậy, để đổi lại, doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội", bà Trang nhấn mạnh.
Bảo Lâm