Bài liên quan |
Việt Nam - Campuchia - Lào: Mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết được trui rèn qua thử thách, là tài sản vô giá của nhân dân 3 nước |
Tháng 11, Việt Nam là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia |
Chính phủ Campuchia vừa công bố số liệu chính thức cho thấy, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các quốc gia đầu tư hàng đầu tại đất nước Chùa Tháp trong năm 2024. Theo báo cáo thường niên của Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), tổng đầu tư của Việt Nam đạt khoảng 550 triệu USD, chiếm 8,1% các dự án được phê duyệt, chỉ xếp sau Trung Quốc và nhóm nhà đầu tư Campuchia. Đặc biệt, trong tháng 11/2024, đầu tư từ Việt Nam chiếm trên 51% tổng vốn đầu tư được phê duyệt, thể hiện sự bứt phá đáng kể.
Việt Nam là nhà đầu tư hàng đầu tại Campuchia. |
Tính về cung cấp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc, và giữ vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia ASEAN đầu tư tại Campuchia, vượt qua Singapore và Malaysia. Đầu tư của Việt Nam cũng vượt qua các quốc gia có truyền thống đầu tư mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Vương quốc Anh. Thành tích này nâng tổng giá trị đầu tư lũy kế của Việt Nam tại Campuchia lên khoảng 3,5 tỷ USD, giúp Việt Nam đứng đầu ASEAN và nằm trong nhóm 5 quốc gia có tổng đầu tư lớn nhất tại Campuchia.
Các lĩnh vực đầu tư của Việt Nam tại Campuchia tập trung vào nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội, tăng thu ngân sách, cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động Campuchia. Trong chuyến thăm Campuchia vào tháng 7/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm, trên cương vị Chủ tịch nước, đã ghi nhận những chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động đầu tư của Việt Nam tại đây.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia năm 2024 với tổng vốn FDI đạt 3,43 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm đáng kể so với mức 66% năm 2023. Lĩnh vực công nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu tiếp tục thu hút nhiều FDI nhất với 394 dự án, chiếm 95% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là nông nghiệp và du lịch.
Chính phủ Campuchia hiện coi kinh tế số là trọng tâm chiến lược trong giai đoạn 2023-2028, với việc thành lập Tổng cục Kinh tế số trực thuộc Bộ Kinh tế-Tài chính từ tháng 6/2023. Chính sách phát triển kinh tế số giai đoạn 2021-2035 đã được ban hành để tạo nền tảng phát triển kinh tế số quốc gia. Thương mại điện tử xuyên biên giới cũng được chú trọng thúc đẩy thông qua hợp tác với Trung Quốc và các nước ASEAN, nhằm tận dụng lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng toàn cầu hóa kinh tế số.
Tại Việt Nam, kinh tế số và thương mại điện tử cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2023, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này đạt trên 25%, với tổng giá trị ước tính 25 tỷ USD, trong đó quy mô bán lẻ trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 đặt mục tiêu kinh tế số đóng góp khoảng 20% GDP cả nước, tạo nền tảng cho Việt Nam duy trì sự cạnh tranh và phát triển trong kỷ nguyên số.