“Sau đại dịch Covid-19, bức tranh kinh tế toàn cầu có nhiều trì trệ, diễn biến phức tạp và phục hồi chậm. Ba nước chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhân dân và Chính phủ ba nước đều dành sự quan rất lớn nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Lào – Campuchia”- Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia - Lào tại TP. Hồ Chí Minh năm 2024 do Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP. Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra sáng ngày 06/10/2024.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường. |
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam, Campuchia và Lào là ba nước láng giềng gắn bó khăng khít với nhau từ bao đời nay, nhân dân uống chung dòng Mê Kông hiền hòa, đầy ắp phù sa chở nặng nghĩa tình của ba dân tộc. Mối quan hệ hữu nghị đoàn kết gắn bó giữa ba nước đã được trui rèn thử thách qua lịch sử đấu tranh chống kẻ thù chung, là tài sản vô giá của nhân dân ba nước Việt Nam – Campuchia - Lào anh em, được các thế hệ dày công vun đắp. Trong đó, trụ cột hợp tác phát triển kinh tế, thương mại có vai trò rất quan trọng góp phần củng cố mối quan hệ giữa ba nước ngày càng phát triển bền chặt.
Những năm gần đây, hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia tăng rất ấn tượng. Năm 2022, kim ngạch giao thương giữa hai nước đã đạt hơn 10,5 tỷ USD. Năm 2023, có giảm chút ít, nhưng năm nay, dự đoán có thể đạt 10 tỷ USD, đang phấn đấu đạt 20 tỷ USD trong thời gian sớm nhất theo yêu cầu của lãnh đạo hai nước. Riêng đối với kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào vẫn tăng trưởng tốt, đạt khoảng 1,65 tỷ USD năm 2023. Đầu tư của Việt Nam vào Campuchia và Lào vẫn đang ở top đầu với 205 dự án vào Campuchia (2,95 tỷ USD) và 245 dự án vào Lào (5,5 tỷ USD). Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh mà Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnôm Pênh là một điển hình sinh động minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa TP. Hồ Chí Minh và Phnôm Pênh (Campuchia)
Quang cảnh Diễn đàn. |
Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường cũng lưu ý, để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ Việt Nam cũng đã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối ba nước như: Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Vientiane, Dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài kết nối tới Phnôm Pênh và nhiều dự án khác.
Được biết, tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tính đến ngày 20/6/2024, đã có 40.544 dự án với tổng vốn đầu tư gần 484,78 tỷ USD. Trong đó, Campuchia đã đầu tư 35 dự án với tổng vốn đầu tư gần 76,75 triệu USD, đứng vị trí thứ 51/146 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam; Lào đã đầu tư 11 dự án với tổng vốn đầu tư gần 71,13 triệu USD, đứng vị trí thứ 54/146 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Đối với tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, tính đến ngày 20/06/2024, Việt Nam đã có 1.743 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,25 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,6%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,5%); viễn thông; sản xuất ô tô… Trong đó, Lào là quốc gia đứng đầu nhận nhận vốn đầu tư của Việt Nam (24,7%); Campuchia là quốc gia đứng thứ nhì về nhận vốn đầu tư của Việt Nam (13,1%).
TS. Lê Hồng Liêm thay mặt BTC trao tặng ảnh kỷ niệm cho ông Ouk Sorphorn - Phó Quốc vụ khanh, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia, Trưởng đoàn đại biểu Campuchia. |
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VCBA) - ông Oknha Leng Rithy cho biết, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đã nỗ lực phấn đầu không ngừng, thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật nước sở tại, vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận và có nhiều đóng góp cho Ngân sách nhà nước của hai nước. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã và đang chung tay góp phần cùng thúc đẩy sự hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, đồng hành hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tặng hoa cho Ban tổ chức Diễn đàn. |
Là một doanh nghiệp hoạt động ở 2 quốc gia Việt Nam - Campuchia, doanh nhân Nguyễn Thị Mỹ Duyên - Giám đốc Công ty Khải Duyên (Việt Nam) và Công ty xúc tiến dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Thần tài (Campuchia) chuyên kinh doanh Trạm dừng nghỉ, phân phối các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… cũng đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan thông thương 2 nước. Bà cho rằng, với việc thay vì chỉ phục vụ một quốc gia, nay các doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường 3 nước. Điều này giúp các doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô sản xuất và tăng doanh thu nhờ việc tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, nữ CEO này cũng cho biết, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hải quan, dù đã có các hiệp định thương mại tự do nhưng thủ tục hải quan giữa 3 nước vẫn phức tạp và chưa đồng bộ, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giao hàng và chi phí logistic.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mỹ Duyên - Giám đốc Công ty Khải Duyên (Việt Nam) và Công ty xúc tiến dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Thần tài (Campuchia). |
Ngoài ra, vấn đề hạ tầng vận tải cũng là rào cản, dù đã có những tuyến đường bộ và đường sắt kết nối nhưng không phải khu vực nào cũng tốt, đặc biệt ở khu vực biên giới, hệ thống kho bãi chưa đạt chuẩn, quá trình số hóa gây chậm trễ việc xử lý thông tin, giấy tờ liên quan vận chuyển…
Bà Duyên cũng đặc biệt cảnh báo về sự cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan và Trung Quốc vì sự có mặt lâu đời hàng hóa từ các nước này ở thị trường Campuchia và Lào cả về giá cả lẫn chất lượng. Bên cạnh đó, mỗi nước đều có tiêu chuẩn, chất lượng khác nhau, để thích nghi với những quy định khác biệt này, doanh nghiệp phải điều chỉnh sản phẩm, làm tăng thêm chi phí.
Dù vậy, việc hợp tác giữa 3 nước theo bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên thì vẫn là giúp doanh nghiệp có thể trở thành một khối kinh tế mạnh hơn và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế.
TS. Lê Hồng Liêm - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia. |
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, TS. Lê Hồng Liêm - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia đã một lần nữa khẳng định, Việt Nam, Campuchia và Lào, dù khác biệt về nhiều mặt, nhưng đều có chung khát vọng vươn lên, mong muốn xây dựng một khu vực Đông Nam Á thịnh vượng, hòa bình và bền vững. “Diễn đàn lần này là minh chứng rõ nét cho sự cam kết hợp tác và phát triển bền vững giữa ba nước. Tôi tin tưởng rằng, sau diễn đàn này, những cơ hội hợp tác đã được thảo luận sẽ nhanh chóng chuyển thành hành động thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân ba quốc gia” - TS. Lê Hồng Liêm nói.
Các đại biểu khách mời chụp ảnh kỷ niệm tại Diễn đàn. |
Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, những thách thức lớn về kinh tế, biến đổi khí hậu và địa chính trị, việc tăng cường sự đoàn kết, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia láng giềng là vô cùng quan trọng. Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, TS. Lê Hồng Liêm đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ cần nắm bắt cơ hội, mà còn phải cùng nhau vượt qua khó khăn để xây dựng một tương lai chung tươi sáng hơn. Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia - Lào lần này không chỉ là cơ hội để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn là nền tảng vững chắc để chúng ta xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài”.