Tạo sức lan tỏa của FDI
FDI chất lượng cao, tạo kết nối và lan tỏa của doanh nghiệp FDI đến khu vực trong nước là hai nội dung được bà Era Dabla-Norris, Trưởng phái đoàn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phụ trách các vấn đề về Việt Nam nêu ra trong cuộc trao đổi từ Thủ đô Washington (Mỹ) với phóng viên Báo Đầu tư.
Nữ chuyên gia này đánh giá, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI, đón làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau đại dịch là động thái rất đáng hoan nghênh. Điều này cho thấy, Chính phủ thấu hiểu tầm quan trọng và đóng góp của FDI đối với việc tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Một động thái đáng ghi nhận trước đó là Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 nhằm nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kêu gọi cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư ngoại; thúc đẩy liên kết, kết nối giữa khu vực FDI với thành phần kinh tế trong nước; đồng thời hướng đến nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường...
“Những nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về thu hút FDI của Việt Nam là rất đáng khen và có thể giúp Việt Nam thu hút FDI chất lượng cao hơn trong thời gian tới”, bà Era Dabla-Norris nhấn mạnh.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam không tránh được ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch.
Chuyên gia IMF cho biết, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này nhờ thành công trong ngăn chặn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam sau khi mở cửa trở lại, quy dân số lớn và số người gia nhập tầng trung lưu ngày càng tăng cũng là những yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư.
Rõ ràng, với mục tiêu đón FDI chất lượng cao, mang lại giá trị cao hơn, yếu tố chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có một loạt cải cách mang tính tổng thể tốt hơn, như cải cách thể chế và các quy định cho FDI, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo cạnh tranh công bằng, gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan và khắc phục tình trạng tham nhũng, cải thiện kỹ năng của người lao động để đáp ứng yêu cầu cao hơn của nhà đầu tư chất lượng cao.
Bà Era Dabla-Norris khuyến nghị, chiến lược thu hút đầu tư mà Việt Nam nên tiếp cận là không chăm chăm thu hút FDI thuần túy, mà cần tập trung tạo sức lan tỏa của khu vực FDI đến doanh nghiệp trong nước.
Chuyên gia này cũng cho rằng, muốn duy trì tăng trưởng kinh tế trung hạn mạnh mẽ, Việt Nam cần giải bài toán tăng năng suất. FDI là yếu tố cần lưu tâm trong việc giải bài toán này bởi đây là khu vực đã giúp Việt Nam vươn lên thành nền kinh tế mạnh hơn trong những thập niên qua và có thể kéo dài trong tương lai.
Theo ông Trent Davies, Giám đốc Bộ phận Tư vấn doanh nghiệp quốc tế của Mạng lưới Tư vấn đầu tư đa quốc gia Dezan Shira & Associates, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện hằng năm là điều mà nhà đầu tư nước ngoài hứng thú với thị trường Việt Nam.
Tăng cường kết nối khu vực FDI với thành phần kinh tế trong nước
Thực tế, khu vực phi FDI tại Việt Nam đóng góp tới 80% GDP và 92% tổng số việc làm, nhưng năng suất thấp hơn nhiều so với khu vực FDI.
“Để tăng trưởng mạnh mẽ và toàn diện hơn, Việt Nam cần tập trung hạn chế đối lập giữa 2 khu vực bằng cách phân bổ lại nguồn lực, tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ, phát triển các mô hình liên kết FDI với các nhà cung cấp trong nước và doanh nghiệp công nghiệp/dịch vụ hỗ trợ”, bà Era Dabla-Norris hiến kế.
Dẫn chứng cho điều này, chuyên gia Dezan Shira & Associates cho biết, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện thủ tục gia nhập thành lập doanh nghiệp, khi có đến 92% doanh nghiệp được khảo sát trong báo cáo PCI 2019 cho biết, họ có tất cả các giấy tờ thủ tục cần thiết về thành lập doanh nghiệp trong vòng 3 tháng, trong khi 56% xác nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp xong trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Khi Việt Nam hướng đến thu hút các dự án FDI sản xuất chế tạo với giá trị cao, ngày càng nhiều nhà đầu tư ngoại tiếp cận thị trường này. Hầu hết các nhà đầu tư này đến từ châu Á, trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan dẫn đầu về làn sóng đầu tư này và tập trung vào một số lĩnh vực chế tạo kim loại, cao su, nhựa, máy tính và thiết bị điện tử, trong khi chưa đầy 1% doanh nghiệp nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực nông nghiệp và khai thác.
Chuyên gia Pritesh Samuel của Công ty Dezan Shira & Associates cho rằng, Việt Nam có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng hoặc lựa chọn các địa bàn thay thế bên ngoài Trung Quốc do đã có điều chỉnh hướng đến xây dựng cứ điểm sản xuất các mặt hàng có giá trị cao hơn.
Với “chiến lược sản xuất Trung Quốc+1”, tỉnh Quảng Ninh nổi lên như điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư muốn đa dạng hoạt động sản xuất và mở rộng chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc. “Với các nhà đầu tư đang hoạt động tại Quảng Đông (Trung Quốc), thì Quảng Ninh là điểm đến đáng cân nhắc trong kế hoạch dịch chuyển các cứ điểm sản xuất sang Việt Nam”, ông Samuel nhận định.
Theo lý giải của chuyên gia này, Quảng Ninh được đánh giá là điểm đến đầu tư chiến lược ở phía Bắc và là mắt xích quan trọng của Tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Quảng Ninh có lợi thế lớn với huyện Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp.
Ngoài ra, đây cũng là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, hiện đại, chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế. Do vậy, nhà đầu tư ngoại kỳ vọng Vân Đồn và Quảng Ninh nói chung sẽ là trung tâm kinh doanh quan trọng, thuận lợi cho kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN.