Năm 2024 sắp kết thúc. Một năm với những tác động địa chính trị thế giới đầy biến động, cấu trúc kinh tế thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Một năm đất nước chúng ta vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt phải đối đầu với thiên tai, bão lũ. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng GDP cả năm nay vẫn đạt 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Con số này cũng vượt mọi dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, Việt Nam thuộc nhóm ít nước tăng trưởng GDP cao trong khu vực và nằm trong top những quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Đây là tiền đề để Việt Nam hướng sớm tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tháo gỡ được điểm nghẽn thể chế, tăng trưởng GDP có thể đạt 2 con số trong những thập kỷ tới. Ảnh: TTXVN. |
Việt Nam trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới
Năm 2024 cũng ghi nhận xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam hướng tới những kỷ lục mới. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, vượt ngưỡng 700 tỷ USD (ước đạt 783 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD), vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023. Xuất siêu đạt kỷ lục mới 18,6 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD, trong khi năm 2023 chỉ đạt 354,7 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2023. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực.
Trong đó xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục bứt tốc, lập kỷ lục lịch sử với kim ngạch ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023 (tăng 9,3 tỷ USD). Các mặt hàng nông sản như cà phê, gạo, rau quả, hạt điều đều lập kỷ lục mới. Trong đó, xuất khẩu cà phê xô đổ tất cả các kỷ lục lịch sử trước đó, thu về 5,5 tỷ USD trong năm 2024, tăng 28,9% so với năm 2023.
Xuất khẩu gạo cũng lập kỷ lục mới với 9,01 triệu tấn, giá trị gần 5,8 tỷ USD, tăng 10,9% về lượng và tăng 23,1% về giá trị.
Xuất khẩu rau quả lập kỷ lục lịch sử 7,2 tỷ USD, vượt xa con số 5,6 tỷ USD của năm 2023. Trong đó xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng ngoạn mục, từ con số 2,3 tỷ USD năm 2023 đã vọt lên 3,5 tỷ USD trong năm 2024.
Về đầu tư, trong 11 tháng năm 2024, cả nước thu hút gần 31,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD, cũng là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2023. Trong 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9,14 tỷ USD, chiếm hơn 29,1% tổng vốn đầu tư, tăng 53,7% so với cùng kỳ 2023.
Theo kết quả khảo sát mới nhất do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, 56,1% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ ý định mở rộng kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới. Con số này giúp Việt Nam duy trì vị thế nằm trong nhóm đầu các thị trường ASEAN mà doanh nghiệp Nhật ưu tiên mở rộng hoạt động, nhờ vào nhu cầu xuất khẩu tăng trưởng và thị trường nội địa dần phục hồi mạnh mẽ.
Khảo sát cũng cho thấy 64,1% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam kỳ vọng đạt lợi nhuận trong năm 2024. Mặc dù tỉ lệ này giảm 9,8 điểm phần trăm so với năm trước, đây vẫn là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, kể từ trước đại dịch COVID-19 vào năm 2019.
Khảo sát AHK World Business Outlook Fall 2024 của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) với sự tham dự của các doanh nghiệp và nhà đầu tư thành viên của Phòng Thương mại Đức tại nước ngoài, các Phái đoàn và Văn phòng Đại diện (AHK), nhận định: Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng chậm nhưng ổn định, trong bối cảnh đầy thách thức và bất định. Dù vậy, các doanh nghiệp Đức vẫn lạc quan về thị trường Việt Nam. Khảo sát AHK World Business Outlook Fall 2024 nhấn mạnh sự tự tin của các nhà đầu tư Đức vào hiệu quả kinh doanh và sự phát triển kinh tế vĩ mô mạnh mẽ của Việt Nam, củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến đầu tư hàng đầu.
Theo khảo sát này, 81% doanh nghiệp tham gia bày tỏ sự hài lòng với hoạt động hiện tại, 50% kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh, 35% có kế hoạch tăng đầu tư tại Việt Nam (tăng so với 24% vào mùa xuân 2024), và 35% dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trong 12 tháng tới. Ngoài ra, 54% doanh nghiệp tin tưởng vào tốc độ phát triển ổn định của Việt Nam, 54% có kế hoạch giữ nguyên quy mô lao động, và 35% dự định tuyển thêm nhân sự trong năm tới.
Năm 2024, đầu tư của Đức tại Việt Nam đạt mức cao kỷ lục. Với hơn 530 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam, xem Việt Nam tiếp tục là thị trường trọng điểm trong chiến lược mở rộng toàn cầu của Đức. Các doanh nghiệp Đức đã đầu tư với 3,6 tỷ USD, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như sản xuất, công nghệ cao, logistics, và năng lượng tái tạo. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu phải tăng trưởng 2 con số
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Kế hoạch và Đầu tư, được tổ chức ngày 28/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra yêu cầu cao hơn về tăng trưởng, phải cố gắng đạt 2 con số. Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu cứ tăng trưởng bình bình 6,5-7% trong những năm tới sẽ không đạt được 2 mục tiêu 100 năm (mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước).
Ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 140/CĐ-TTg về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Công điện nêu rõ:
Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 - kỷ niệm 100 thành lập nước; tiếp theo Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2024 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên cao nhất thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức hai con số. Đây không chỉ là thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu trên, các Bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; trong đó:
Trong 12 nhóm giải pháp, Công điện yêu cầu tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư; kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, phấn đấu vượt mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025 và 5.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2030.
Xây dựng cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Tăng cường xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Hydrogen; kết nối với khu vực trong nước, hình thành các chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp đột phá để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… (trình Chính phủ trong quý I năm 2025).
Sản xuất chip bán dẫn đang là mục tiêu của nền công nghệ cao nước ta đang hướng tới. Ảnh: FPT. |
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hoá; phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế. Triển khai hiệu quả chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước.
Chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp…
Nội dung công điện cho thấy Chính phủ đang nỗ lực và quyết tâm thực hiện khát vọng tăng trưởng 2 con số ngay trong năm 2025 và trong cả những thập kỷ tới.
Dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD vào năm 2025, vươn lên hàng thứ 33 thế giới, cho thấy quy mô của nền kinh tế nước ta tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số, sẽ có nhiều thách thức như Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: “Chúng ta có thể đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số nếu tháo gỡ được các rào cản, điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực toàn xã hội”.
Phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số ngay từ thời gian này “Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, chúng ta phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình. Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo. Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm. Chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số kịp thời gian. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh", nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế phát triển, thủ tục hành chính... Trước mắt cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2024 và năm 2025, trong đó phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số ngay từ thời gian này, đây là vấn đề chúng ta hoàn toàn có cơ sở để làm được. Để đạt mục tiêu này, cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế phát triển, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển”. (Trích phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, 1/12) |