Việt Nam có số lượng tài khoản chứng khoán cao kỷ lục

15:49 05/07/2024

Phần lớn số tài khoản mới trong tháng 6 đến từ nhà đầu tư cá nhân, chiếm 106.417 tài khoản, trong khi nhà đầu tư tổ chức chỉ mở thêm 163 tài khoản.

Thông tin từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 6/2024, nhà đầu tư trong nước đã mở thêm 106.580 tài khoản chứng khoán, giảm 25.000 tài khoản so với tháng 5/2024. Phần lớn số tài khoản mới đến từ nhà đầu tư cá nhân, chiếm 106.417 tài khoản, trong khi nhà đầu tư tổ chức chỉ mở thêm 163 tài khoản.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn 750.000, nâng tổng số tài khoản đến cuối tháng 6/2024 lên xấp xỉ 8 triệu, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 7,98 triệu tài khoản, tương đương 8% dân số.

Việt Nam có số lượng tài khoản chứng khoán cao kỷ lục
Việt Nam có số lượng tài khoản chứng khoán cao kỷ lục.

Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư mở mới tài khoản giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. VN-Index kết thúc tháng 6/2024 ở mức 1.245,32 điểm, giảm 16,4 điểm (1,3%) so với cuối tháng 5/2024, với thanh khoản gần như đi ngang. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn trong tháng 6 đạt 26.356 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 22.683 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với tháng trước và 3,8% so với mức bình quân 5 tháng gần đây.

Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 15.582,35 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 16.436,3 tỷ đồng qua khớp lệnh. Họ tập trung mua ròng ở 12/18 ngành, chủ yếu là ngành Công nghệ Thông tin, với các mã mua ròng nhiều nhất là FPT, VHM, HPG, VRE, VND, VCB, BID, MWG, TCB, và GAS. Phía bán ròng khớp lệnh, họ bán ròng 6/18 ngành, chủ yếu là nhóm ngành Thực phẩm và đồ uống, Hàng cá nhân & Gia dụng, với các mã bán ròng nhiều nhất là MSN, MBB, VPB, PC1, HSG, GVR, CTD, FRT, và HAH.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 16.591,8 tỷ đồng, trong đó qua khớp lệnh là 15.077,4 tỷ đồng. Họ mua ròng khớp lệnh chủ yếu ở nhóm Xây dựng và Vật liệu, Hàng & Dịch vụ Công nghiệp, với các mã mua ròng nhiều nhất là MBB, MSN, HAH, PC1, HSG, CTR, FRT, PAN, EVF, và CTD. Phía bán ròng khớp lệnh của nước ngoài tập trung ở nhóm Công nghệ Thông tin, với các mã bán ròng nhiều nhất là FPT, VHM, VRE, MWG, FUEVFVND, HPG, TCB, VNM, và VCB.

P.V (t/h)