Vì sao soi danh mục tự doanh công ty chứng khoán là vô nghĩa?

16:56 28/01/2022

Theo ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research việc nhà đầu tư theo dõi danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán hoàn toàn không có giá trị sử dụng. Đây đơn giản chỉ là nghiệp vụ của khối tự doanh, được uỷ thác để tạo lập các chứng chỉ ETF.

Thị trường chứng khoán cuối năm vẫn duy trì xu hướng đi ngang rung lắc với tâm lý chốt lời ăn Tết. Dòng tiền có xu hướng rút mạnh khỏi nhóm ngành bất động sản, xây dựng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua và tìm về cổ phiếu cơ bản. 

Theo quan sát, dòng tiền trên thị trường vẫn đang duy trì ở mức tốt so với nền hai năm trước, tuy nhiên không phân bổ đồng loạt mà rất chọn lọc, tập trung chủ yếu vào nhóm ngân hàng. 

Trong những phiên giao dịch đầu năm, nhóm cổ phiếu vua có sự trở lại ngoạn mục và đóng vai trò chính trong việc níu giữ đà rơi của thị trường. Cả NĐT cá nhân, tự doanh CTCK và khối ngoại đều đang mua ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng, tâm điểm một số mã như STB, LPB, CTG...

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu Khách hàng cá nhân Chứng khoán MB nhận định trên thị trường luôn có dòng tiền thông minh bắt nhịp thị trường. Theo nghiên cứu của MBS, dòng tiền này rất nhạy bén, ví dụ như đã rút khỏi cổ phiếu ngân hàng tại đỉnh tháng 6/2021 và phân bổ ngược vào nhóm chứng khoán bất động sản trong 6 tháng cuối năm. 

Giới đầu tư thường hay đổ lỗi những "tay to", dòng tiền thông minh này đến từ NĐT nước ngoài hoặc tự doanh CTCK. 

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chứng khoán SSI cho rằng nhà đầu tư thường hay tiếp cận đến những báo cáo mang tính tổng quát như tự doanh bán ròng kỷ lục hay Top 10 cổ phiếu được tự doanh mua/bán nhiều nhất. 

Tuy nhiên, lấy Chứng khoán SSI làm ví dụ thực tế, các CTCK thường có những giao dịch bán ròng chứng chỉ quỹ và mua những cổ phiếu hết room như KDH, FPT… Đây đơn giản chỉ là nghiệp vụ của khối tự doanh, được uỷ thác để tạo lập các chứng chỉ ETF.

"Chính vì vậy, việc NĐT theo dõi danh mục tự doanh của các CTCK hoàn toàn không có giá trị sử dụng. Nếu NĐT có thể theo dõi giao dịch tự doanh của từng CTCK cụ thể thì may ra mới hữu ích. Tuy nhiên, khi nhìn vào số liệu tổng trên toàn thị trường, NĐT không thể hiểu hết nghiệp vụ tạo lập thị trường mà CTCK đang làm". 

Theo Báo cáo tài chính riêng quý IV/2021 của Chứng khoán SSI, danh mục tự doanh của công ty đang ghi nhận khoản thua lỗ của cổ phiếu HPG. 

Theo ông Hưng, trên thực tế, đây là hoạt động phát hành chứng quyền có đảm bảo bằng cách mua/bán cổ phiếu. Điều này không thể hiện quan điểm đầu tư của bộ phận tự doanh liên quan đến cổ phiếu HPG mà chỉ đơn giản đang tạo thanh khoản thị trường. 

Việc NĐT nhìn vào danh mục tự doanh của CTCK là điều vô nghĩa? - Ảnh 1.

(Nguồn: Báo cáo tài chính riêng của CTCP Chứng khoán SSI).

Có nhiều ý kiến cho rằng các CTCK nên tách bạch hoạt động phân tích nghiên cứu và hoạt động tự doanh ra vì không tránh khỏi tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi". 

Chẳng hạn như giai đoạn nửa năm trước khi cổ phiếu thép đang dậy sóng, Chứng khoán VCBS ra nhận định về ngành thép nói chung và định giá NKG lên 65.000 đồng/cp, HPG lên 75.000 đồng/cp. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, sóng thép chấm dứt hoàn toàn và hiện các mã ngành này vẫn chưa thấy sự hồi phục.

Trên thị trường không ít các khuyến nghị, nhận định kiểu này của CTCK. Song, ông Trần Hoàng Sơn khẳng định bản chất các CTCK đã tách bạch nghiệp vụ phân tích và tự doanh rất rõ ràng và quản trị rủi ro chặt chẽ.

Ông Sơn cho rằng NĐT đang nhiễu loạn thông tin, thay vì tiếp cận những thông tin không chính thống thì hãy xem lại phương pháp đầu tư của mình.  

"Tâm lý chiếm 60% thành công trong đầu tư, 30% là danh mục, tỷ trọng và 10% là chiến lược đầu tư. Trong bối cảnh thị trường tăng nóng, ai cũng đua xe thì khi gặp phải cản trở, nếu không vững tâm sẽ rất dễ thua lỗ. Trong chứng khoán không có thiên tài đầu tư mà chỉ có kinh nghiệm đầu tư".

Bảo Ngọc/ Theo DNNY