Vì sao NLĐ bị thu 10% thuế TNCN đối với khoản tiền trợ cấp thôi việc?

16:40 01/03/2023

Bị thu 10% thuế TNCN đối với khoản tiền trợ cấp thôi việc sau khi bị doanh nghiệp cho nghỉ hàng loạt vì không có đơn hàng của hàng nghìn công nhân tại Công ty Pou Yuen Việt Nam đang để lại nhiều ý kiến trái chiều.

Ảnh minh họa
Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam đã chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.300 công nhân 

Ngày 25.2, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với 2.358 công nhân do có khó khăn về đơn hàng. Từ đề xuất của CĐCS, Công ty đã hỗ trợ cho các công nhân mỗi năm làm việc 0,8 tháng lương và tổng số tiền công ty hỗ trợ cho các công nhân phải chấm dứt HĐLĐ là khoảng 275 tỉ đồng.

Theo phản ánh của người lao động tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, nhiều công nhân đã có thời gian làm thâm niên bình quân từ 15-20 năm, mức lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc là gần 11,6 triệu đồng, tổng số tiền chị nhận là 181 triệu đồng.

Tuy nhiên, số tiền trên sẽ được công ty chia làm hai phần. Trong đó, khoản trợ cấp thôi việc theo quy định pháp luật cho thời gian làm từ trước 2009, mỗi năm được trả 50% tháng lương, tương đương khoảng 32 triệu đồng không bị tính thuế. Còn 149 triệu đồng được xem là cao hơn so với quy định, công ty khấu trừ 10% tức gần 15 triệu đồng, và điều này khiến người lao động thắc mắc vì cho rằng đây là số tiền có được do mất việc nhưng vẫn bị trừ thuế khiến người lao động cảm thấy bị thiệt thòi.

Đáng chú ý, những thông tin này được thông báo từ phía Công ty Pou Yuen cho cho người lao động khi nhận các khoản trợ cấp trong đó có phần khấu trừ thuế 10%, khiến người lao động không được vui vẻ.

Giải thích về việc vì sao thu 10%, đại diện Công ty Pou Yuen cho biết, việc thu thuế này giống như cách đây ba năm công ty cắt giảm hàng nghìn công nhân. Lúc đó doanh nghiệp có văn bản hỏi Cục Thuế TP HCM, thì được ngành thuế trả lời là việc khấu trừ thuế là điều kiện bắt buộc. Do đó, Công ty buộc phải thu tiền để nộp cho ngành thuế. Sau này khi làm thủ tục giảm trừ gia cảnh, công nhân sẽ được hoàn lại nếu không vượt.

Trả lời VNE, đại diện Cục thuế TP HCM cho biết căn cứ quy định hiện hành, chỉ có khoản trợ cấp thôi việc chi trả theo Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế. Với lao động Pou Yuen, công ty đã trả một khoản ngoài quy định nên phải tính vào phần thu nhập chịu thuế. Nếu khoản trợ cấp từ 2 triệu đồng trở lên và được chi trả sau thời điểm kết thúc hợp đồng, lao động bị khấu trừ 10%. Sau này, công ty có trách nhiệm cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Cuối năm, họ sẽ làm thủ tục khai quyết toán thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần trên toàn bộ thu nhập chịu thuế trong năm. Nếu số thuế thu nhập cá nhân nộp thừa, công nhân sẽ được hoàn trả.

Theo quy định của pháp luật về Thuế thu nhập cá nhân, thì khoản trợ cấp của Công ty PouYuen không nằm trong khoản thu nhập được miễn thuế. Và điều này được quy định trong các văn bản liên quan.

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, việc tính thuế thu nhập được tính theo năm. Mỗi người có thu nhập được giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng, tức bằng 132 triệu đồng/năm. Ngoài ra, người có thu nhập còn được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mỗi người 4,4 triệu đồng/tháng, tức 52,8 triệu đồng/năm. Sau khi đã trừ đi các khoản giảm trừ gia cảnh, nếu người có thu nhập phải đóng thuế thì sẽ phải chịu thuế suất lũy tiến từ 5% đến 35% tùy phần thu nhập vượt là bao nhiêu.

Cũng theo quy định hiện hành, nếu cá nhân có thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên thì nơi chi trả phải tạm khấu trừ 10% và phải cấp chứng từ khấu trừ thu nhập này cho người phải đóng thuế làm cơ sở quyết toán thuế với cơ quan thuế sau này.

Như vậy, có thể hiểu rằng, mức trừ tiền 10% của Công ty PouYuen với khoản hỗ trợ cho công nhân mới là khoản tạm trừ. Việc công nhân có bị trừ thuế thu nhập hay không, mức trừ bao nhiêu còn phụ thuộc vào khoản thu nhập của từng người trong năm 2023.

Ảnh minh họa
Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam thuộc Tập đoàn quốc tế Pou Chen Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất da giày. Đây là doanh nghiệp có số lao động nhất ở TP.HCM. Hiện nay, số lao động của nhà máy lên đến hơn 50.500 người/ Nguồn ảnh DDDN

Khoảng 4 tháng qua, các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực giày da ở Đồng Nai như Tập đoàn Phong Thái (khoảng 60.000 lao động), Công ty Taekwang Vina (hơn 35.000 lao động), Công ty Changshin Việt Nam (gần 40.000 lao động) có ít đơn hàng. Doanh nghiệp chỉ tiến hành sản xuất trong giờ hành chính, không tăng ca.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai thông tin, từ giữa năm 2022 đến nay, hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn bị thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu, giảm đơn hàng, giảm quy mô sản xuất. Doanh nghiệp gặp khó khăn nên trong năm 2022 toàn tỉnh có hàng chục nghìn lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút.

Để đảm bảo đời sống công nhân, mới đây, Đồng Nai quyết định hỗ trợ người lao động mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng với mức 1,5 triệu đồng/người.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, đơn vị đã tăng cường khảo sát, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Kết quả cho thấy, trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải giảm giờ làm. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp ồ ạt cắt giảm lao động chưa xảy ra. Do gặp khó khăn, một số doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, tạm thời cho công nhân nghỉ việc nhưng có chế độ hỗ trợ.

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công như sau:

Các khoản thu nhập chịu thuế

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công ... b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau: b.1) Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công. b.2) Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ. b.3) Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang. b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm. b.5) Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực. b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. b.7) Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật. b.8) Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao. b.9) Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người Việt Nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về Việt Nam làm việc. b.10) Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản. b.11) Phụ cấp đặc thù ngành nghề.

Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, Điều này phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Trường hợp các văn bản hướng dẫn về các khoản phụ cấp, trợ cấp, mức phụ cấp, trợ cấp áp dụng đối với khu vực Nhà nước thì các thành phần kinh tế khác, các cơ sở kinh doanh khác được căn cứ vào danh mục và mức phụ cấp, trợ cấp hướng dẫn đối với khu vực Nhà nước để tính trừ. Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế. Riêng trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được trừ theo mức ghi tại Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

Như vậy, trường hợp NLĐ nhận được khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc theo đúng mức quy định thì không tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Ngược lại, nếu khoản tiền trợ cấp thôi việc NLĐ nhận được cao hơn mức quy định của Bộ luật Lao động 2019 thì phần vượt quá sẽ phải chịu thuế TNCN.

Lâm Nghi t/h