Vì sao chứng khoán đầu tuần lao dốc?

17:41 17/01/2022

Hiệu ứng bán tháo từ nhóm FLC và bất động sản đã lan rộng ra thị trường khiến chỉ số giảm sâu và có đến 128 mã giảm sàn trên HoSE.

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch đầu tuần 17/1 ghi nhận biến động lớn. VN-Index giao dịch ổn định trong buổi sáng nhưng bất ngờ bị bán tháo ngay đầu giờ chiều khiến chỉ số giảm sốc 43 điểm (2,89%). Sàn này nhuộm trong sắc đỏ với 446 mã giảm giá, gấp 9 lần số mã tăng giá.

Trong khi đó, HNX cũng mất 4,61% về 445,34 điểm với số mã giảm gấp 4 lần số mã tăng. UPCoM-Index rơi 2,55% trong ngày đầu tuần với số mã giảm hơn gấp đôi số mã tăng.

Trao đổi với Zing, Giám đốc cao cấp KIS Việt Nam- ông Trương Hiền Phương cho rằng thị trường giảm sốc hôm nay có nhiều yếu tố tác động.

Thứ nhất là áp lực bán sàn nhóm cổ phiếu FLC Group và bất động sản tăng nóng vẫn còn nên nhà đầu tư có dùng đòn bẩy tài chính (margin) tại các mã này bị buộc bán giải chấp, nhưng do không bán được nhóm này nên buộc phải bán các cổ phiếu khác trong danh mục với cường độ bán mạnh.

Tiếp theo là tâm lý nhà đầu tư vẫn còn đang rất yếu khi có quá nhiều cổ phiếu đầu cơ bị giảm sàn, dẫn đến nhà đầu tư không có tâm lý mua vào mà chỉ ưu tiên bán ra, lực cầu yếu như thế dễ khiến thị trường chung sụt giảm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Hơn nữa, văn hóa đầu tư Việt Nam ở giai đoạn cận tết Âm lịch thường có khuynh hướng gom tiền về để đánh giá hiệu quả trong một năm. Cận tết cũng là giai đoạn trước kỳ nghỉ dài nên một số nhà đầu tư bán rút tiền gửi tiết kiệm để tận dụng khả năng sinh lời trong những ngày nghỉ này và không phải đóng lãi margin.

Cuối cùng là có sự tính toán của nhà đầu tư lớn khi họ cũng nắm bắt yếu tố tâm lý nên có khuynh hướng bán mạnh những cổ phiếu dẫn dắt có hệ số beta cao, có độ nhạy cao với thị trường. Điều đó khiến tâm lý đám đông xuất hiện, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường bán theo và tạo hiệu ứng lan tỏa.

"Khi thị trường đã giảm sâu thì nhà đầu tư lớn thường gom lại cổ phiếu. Đây là một chiến lược đầu cơ giá xuống và lịch sử giai đoạn cuối năm Âm lịch cũng từng ghi nhận các đợt bán rất mạnh”, ông Phương bổ sung.

Thực tế, hôm nay có lúc thị trường ghi nhận lượng cổ phiếu bị bán sàn rất lớn lan rộng ở nhiều nhóm ngành và vốn hóa. Nhóm vốn hóa lớn nhất và thường có độ ổn định cao như VN30 cũng ghi nhận 29/30 mã giảm, trong đó có đến 5 mã giảm sàn.

Nhóm cổ phiếu FLC Group vẫn trong tình trạng mất thanh khoản sau vụ bán chui của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết. Các mã FLC, ROS, HAI, AMD, KLF chỉ khớp được vài trăm nghìn cổ phiếu đầu phiên và tổng lượng lượng dư bán vẫn lên đến 187 triêu cổ phiếu.

Các cổ phiếu bất động sản cũng chưa thoát cảnh bán tháo sau vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc. Hàng loạt mã tăng nóng trước đó tiếp tục chìm trong sắc "xanh lơ" với lượng dư bán sàn hàng triệu đơn vị như DIG, CEO, CII, DXG, QCG, SCR, DRH...

Áp lực bán tháo ở mức giá sàn lan rộng ra nhiều nhóm ngành khác đáng kể như chứng khoán, thủy sản, sắt thép, phân bón, khí đốt...

Hiệu ứng domino từ nhóm cổ phiếu đầu cơ đã đẩy áp lực bán lên mức cao. Tổng giá trị khớp lệnh tăng 38% lên 34.593 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 39% đạt 29.198 tỷ đồng.

 Theo Zing