Bài thơ “Mẹ Tơm” và nhiều kỉ vật quý
Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển (1880-1953). Chồng mẹ Tơm là ông Vũ Văn Sởn. Mẹ có 4 người con là Vũ Thị Diệp, Vũ Thị Dực, Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu. Tuy nghèo khổ nhưng mọi người trong gia đình mẹ Tơm đều giàu lòng yêu nước và cách mạng.
Ngày nay, ngôi nhà tranh vách đất của mẹ Tơm không còn nữa, mà được thay vào đó là ngôi nhà ngói ba gian trong khuôn viên rộng khoảng 500 m2.
Được cụ bà Bùi Thị May, gần 80 tuổi - người trông coi và cũng là cháu nội mẹ Tơm mở cửa, chúng tôi bước chậm rãi vào ngôi nhà lịch sử. Trước mắt là mái ngói mới đỏ au, những cây cột gỗ lim vững chãi. Bàn thờ mẹ Tơm được đặt giữa nhà.
Trong ngôi nhà hình ảnh Bác Hồ và những nhân vật lịch sử được treo ở vị trí trang trọng. Phía tường bên phải là tấm hình ghi lại lần nhà thơ Tố Hữu về thăm gia đình mẹ Tơm năm 1961 rồi sáng tác bài thơ cùng tên. Chúng tôi đến bên chụp ảnh và xúc động đọc bài thơ nổi tiếng được viết tràn nửa bức tường. Những tấm ảnh chụp nhà thơ Tố Hữu đến viếng mẹ Tơm năm xưa cũng được treo cẩn thận.
Trong ngôi nhà tưởng niệm còn có bộ tông đơ, dao kéo cắt tóc đã rất lâu nhưng vẫn còn nguyên vẹn và sạch sẽ. Thi thoảng ông Vũ Ngọc Rỡ (cháu nội mẹ Tơm) cũng là người hàng ngày chăm coi, quét dọn khu di tích lịch sử cách mạng mẹ Tơm mang ra lau chùi. Bộ đồ cắt tóc này là của hai người con trai mẹ Tơm. Ngày đó do nghèo khổ, hai con trai Sồ và Hậu phải đi ở, đi làm thuê, cuốc mướn, vì không có ruộng đất cày cấy nên xoay sở học nghề cắt tóc. Đây cũng là nghề để các con mẹ Tơm lấy tiền nuôi cán bộ đồng thời làm giao liên, phát báo, rải truyền đơn.
Cụ bà Bùi Thị May chia sẻ: “Nhà tưởng niệm mẹ Tơm được các thế hệ cháu chắt như chúng tôi trông coi và dọn dẹp. Bàn thờ luôn nghi ngút khói hương. Người đến tham quan và thắp hương quanh năm không kể ngày nào. Thương bà ngày xưa nghèo, cuộc đời quá khổ nhưng trái tim luôn hướng về cách mạng. Chúng tôi rất tự hào vì mình là con cháu của cụ”.
Thăng trầm ngôi nhà cách mạng
Theo tài liệu lịch sử, tháng 9-1941, chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành) bị vỡ, giặc Pháp vây lùng bắt bớ các chiến sĩ cách mạng và cơ quan bí mật của Tỉnh ủy Thanh Hoá. Tỉnh ủy đã quyết định chuyển nơi hoạt động và cơ quan in báo về các huyện vùng biển để tránh sự truy lùng vây bắt của địch.
Ngôi nhà tranh vách nứa ba gian trên cồn cát ven biển hoang vắng của gia đình mẹ Tơm được chọn trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, in tài liệu, viết truyền đơn. Nơi đây được coi là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Thanh Hóa lâm thời bấy giờ. Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Thanh Hoá thời đó là ông Lê Tất Đắc, sau đó là Tố Hữu. Ở nhà mẹ Tơm hồi ấy còn có các ông Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong, Đặng Hỷ,… Tại đây, cán bộ của ta cũng tổ chức, xây dựng cơ sở móc nối liên lạc, tiếp tục đưa ra báo “Đuổi giặc nước” và truyền đơn, biểu ngữ,…
Gia đình mẹ Tơm được phân công mỗi người một việc. Ông Tơm ở nhà đan rổ, rá ngoài hè để canh gác. Mẹ Tơm đi chợ, dưới gánh rau xanh là những bó truyền đơn kêu gọi đấu tranh. Đêm đêm mẹ ra cồn cát cách nhà 50m ngồi canh gác, nếu có động tĩnh thì báo ngay cho cơ quan biết để sơ tán. Hai người con trai đi cắt tóc dạo để lấy tiền mua khoai gạo về nuôi cả nhà và các chiến sĩ cách mạng, đồng thời làm nhiệm vụ giao thông, liên lạc, đưa báo, tài liệu, truyền đơn đến các cơ sở đã định ở Nga Sơn, Hà Trung,…
Đầu năm 1944, mật thám đã về nhà mẹ Tơm lục soát, đánh đập ông bà và bắt hai người con là anh Sồ và anh Hậu vào trại giam ở nhà lao thị xã Thanh Hóa. Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng ông bà và hai con trai của mẹ Tơm một mực không khai ra cơ quan và cán bộ cách mạng. Không khai thác được gì, đến tháng 4-1945, bọn chúng phải thả hai người con của mẹ Tơm. Hai anh Sồ và Hậu về nhà bắt liên lạc với cơ sở tiếp tục hoạt động chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.
Nhà thơ Tố Hữu, trong một lần về thăm “Quê mẹ nuôi xưa” đã làm bài thơ “Mẹ Tơm” để ca ngợi quê hương, cuộc đời, công lao đức độ của mẹ. Bài thơ như một khúc ca được nhiều thế hệ học sinh yêu thích và học thuộc lòng. Trong đó có những đoạn như một khúc ca làm thắt lại bao trái tim bạn đọc.
Năm 1961, túp lều tranh của mẹ Tơm bị bão lụt làm sập hoàn toàn. Con cháu của mẹ đã dựng lại ngôi nhà khác, kiên cố hơn chút. Ghi nhận đóng góp của mẹ, Đảng, Nhà nước đã tặng Bằng có công với nước, công nhận thiết chế vật chất của gia đình là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Tri ân những người có công với nước, đầu năm 2011, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng huyện Hậu Lộc đã khởi dựng nhà lưu niệm di tích lịch sử cách mạng của gia đình bà Nguyễn Thị Quyển (tức mẹ Tơm) nhằm phát huy giá trị di sản, giáo dục truyền thống lịch sử cho cho thế hệ hôm nay và mai sau. Năm 2021-2022, lăng mộ mẹ Tơm nằm trong khu di tích cũng đã được cháu, chắt mẹ Tơm tôn tạo khang trang đẹp đẽ, Tường bao quanh bằng đá tự nhiên có chạm khắc tinh vi, xứng đáng với công lao đóng góp cho cách mạng của ông bà và các con.
Đại diện lãnh đạo xã Đa Lộc cho biết: Với người dân địa phương, hình tượng mẹ Tơm, nhất là trong giai đoạn tiền khởi nghĩa là niềm tự hào. Di tích lịch sử cách mạng mẹ Tơm còn là “địa chỉ" để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Vì vậy, hàng năm, Đoàn Thanh niên xã cũng như các trường ven biển Hậu Lộc thường xuyên tổ chức các lớp cảm tình Đoàn, hoạt động ngoại khóa tại khu di tích. Qua đó, giới thiệu cho các em về truyền thống cách mạng của các bậc tiền nhân.
Minh Hiền