Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa công bố tình hình xuất khẩu thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2024, cho thấy dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ. Cụ thể, trong tháng 8/2024, xuất khẩu thủy sản đạt gần 953 triệu USD, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm trước.
Theo VASEP, nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu đang phục hồi, kéo theo sự gia tăng về giá cả. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như thẻ vàng IUU (liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp), thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá. Dự kiến, xuất khẩu thủy sản cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 9,4-9,5 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm 2023.
Trong tháng 8, mặc dù xuất khẩu mực và bạch tuộc giảm 15%, các mặt hàng chủ lực khác như tôm, cá tra, cá ngừ, và cá biển khác đều tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt, xuất khẩu tôm tăng 30%, cá tra tăng 18%, cá ngừ tăng 13%, và cá biển tăng 12%.
Xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD trong 8 tháng, tăng 9% so với cùng kỳ. Tôm chân trắng chiếm phần lớn với 1,75 tỷ USD, tăng 8%, trong khi tôm sú vẫn giảm 7% so với cùng kỳ, đạt gần 290 triệu USD. Đáng chú ý, tôm hùm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, với kim ngạch xuất khẩu tăng 140% so với năm ngoái.
Mặc dù gặp nhiều rào cản như thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá, xuất khẩu tôm vẫn đang có triển vọng tích cực. Thị trường châu Âu bắt đầu tiêu thụ mạnh hơn, trong khi thị trường Mỹ có dấu hiệu hồi phục nhẹ. Tuy giá tôm nhập khẩu vào Trung Quốc còn thấp, thị trường này cũng đang có những dấu hiệu tích cực.
Xuất khẩu cá tra đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn trì trệ, thị trường Mỹ tăng trưởng mạnh với mức tăng 23%, đóng vai trò đòn bẩy cho cá tra. Ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 3%.
Xuất khẩu cá ngừ đến cuối tháng 8 đạt 652 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, VASEP cảnh báo rằng, việc thiếu nguyên liệu sẽ khiến xuất khẩu cá ngừ khó giữ được đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Việc quy định kích thước tối thiểu cho cá ngừ vằn từ Nghị định 37/2024 đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu theo đúng quy định.
Xuất khẩu mực và bạch tuộc gặp nhiều trở ngại do tác động của thẻ vàng IUU, đặc biệt trong việc xác nhận và chứng nhận khai thác. Điều này dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu đủ tiêu chuẩn, khiến xuất khẩu mực và bạch tuộc giảm 2%, đạt 402 triệu USD tính tới cuối tháng 8.
P.V (t/h)