"Kết nối giữa doanh nghiệp với luật sư sẽ tạo hiệu ứng tốt trong sản xuất kinh doanh, tạo hành lang pháp lý vững chắc, an toàn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, kể cả ngân hàng nếu thiếu vai trò tư vấn của luật sư dễ dẫn đến các giao dịch thương mại, hoạt động sản xuất không đúng theo quy định của luật pháp. Khi xảy ra tranh chấp dẫn đến các vụ kiện tụng, sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp".
Đó là trao đổi của luật sư Vũ Văn Lợi – Giám đốc công ty Luật TNHH Hòa Lợi thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, người đã gần 30 năm tham gia tranh tụng bảo vệ quyền lợi trong rất nhiều vụ án nổi tiếng như vụ“ Người mang án tử hình xuyên thế kỷ Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh”, vụ án Đoàn Văn Vươn tại Hải Phòng... Luật sưu Vũ Văn Lợi là một trong những người làm nhiều án hành chính nhất cả nước, cũng là người bảo vệ thân chủ thắng kiện nhiều nhất trong các vụ án hành chính. Trong những năm gần đây, Luật sư Vũ Văn Lợi đã tham gia rất nhiều vụ án của các doanh nghiệp liên quan đến tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Theo luật sư thì hành lang pháp luật của Việt Nam cho các doanh nghiệp đã có nhưng quá trình hoạt động chưa có sự kết nối giữa doanh nghiệp với luật sư trong việc tư vấn luật dẫn đến các quy trình hoạt động trong quản lý và kinh danh của doanh nghiệp chưa đúng hoặc không đúng theo quy định của luật pháp, từ đó kéo theo các vụ khiếu kiện gây thiệt hại đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Lợi đưa ra vụ án một doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Thành Thương khởi kiện một Ngân hàng trong việc doanh nghiệp vay tiền mua xe thế chấp ngân hàng nhưng phải mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm do ngân hàng chỉ định. Cụ thể, doanh nghiệp mua xe tải cỡ lớn hai mươi, ba tấn, vay tiền ngân hàng và thế chấp xe ở ngân hàng thông qua việc ngân hàng cầm giấy tờ gốc và cấp cho giấy tờ đi đường ba tháng một lần cho doanh nghiệp vận tải, bảo hiểm xe là doanh nghiệp mua bảo hiểm và bên thụ hưởng bảo hiểm là ngân hàng. Doanh nghiệp đến kỳ hạn phải mua bảo hiểm nhưng chưa đến hạn ngân hàng đã thông báo bằng văn bản yêu cầu mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm liên kết với ngân hàng và phải nộp tiền vào tài khoản chuyên thu của bảo hiểm mở tại ngân hàng. Doanh nghiệp không mua bảo hiểm của ngân hàng chỉ định mà mua của công ty bảo hiểm khác đúng thời hạn ngày giờ mang hợp đồng bảo hiểm nhưng hồ sơ của doanh nghiệp không được cán bộ ngân hàng chấp nhận. Hệ quả là xe mua thế chấp của doanh nghiệp không có giấy thông hành từ năm 2019, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Theo chỉ đạo của chính phủ cũng như chỉ đạo của Bộ Tài chính thì việc ngân hàng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm theo công ty bảo hiểm chỉ định bị nghiêm cấm. Luật bảo hiểm cũng có điều khoản nghiêm cấm cơ quan tổ chức dùng biện pháp bắt mua bảo hiểm theo chỉ định. Vì vậy yêu cầu của ngân hàng với doanh nghiệp vận tải phải mua bảo hiểm theo chỉ định này trái với các quy định nói chung của pháp luật cũng như trái quy định của Luật bảo hiểm.
Sau khi doanh nghiệp kết nối với luật sư và được luật sư hướng dẫn khởi kiện ra tòa, năm 2022, Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn xử sơ thẩm buộc ngân hàng bồi thường cho doanh nghiệp trên 1,3 tỷ đồng nhưng ngân hàng kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh. Đến tháng 3 năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xử vẫn y án sơ thẩm, mặc dù ngân hàng kháng cáo đề nghị bác toàn bộ đơn khởi kiện của doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu hủy án, đồng thời Viện Kiểm sát còn đề nghị tăng tiền bồi thường cho doanh nghiệp lên căn cứ vào thời gian xe không lưu hành cùng doanh thu mà xe có thể mang lại.
Là người trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, Luật sư Vũ Văn Lợi chia sẻ: Luật thì có nhưng trong thực tế vẫn có trường hợp ngân hàng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm theo theo chỉ định trái pháp luật. Cụ thể như trong vụ án này, nếu không có luật sư thì thiệt hại của doanh nghiệp là rất lớn, thiệt hại không chỉ là số tiền bồi thường theo bản án của tòa mà còn những thiệt hại vô hình khó đong đếm, không chứng minh được trong thực tế như uy tín kinh doanh của doanh nghiệp, uy tín của ngân hàng trong hoạt động tín dụng...
Từ một vụ án cụ thể để thấy vai trò của luật sư trong hoạt động của doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp tư nhân mà kể cả ngân hàng, các doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước phải biết và tuân thủ theo quy định của pháp luật, từ đó hạn chế các vụ kiện tụng gây thiệt hại dẫn đến phải bồi thường đáng tiếc xảy ra. Các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh phải biết tận dụng hành lang pháp lý mà pháp luật đã quy định. Kết nối với luật sư, tư vấn đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Tuấn