Ưu tiên hỗ trợ, củng cố các HTX tham gia các dự án, kế hoạch phát triển chuỗi liên kết giá trị nông sản

11:36 15/02/2023

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến hết năm 2022, cả nước có 2.038 chuỗi liên kết, trong đó có 1.250 HTX nông nghiệp tham gia và các hình thức liên kết rất đa dạng.

Sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản là một cơ chế liên kết các chủ thể kinh  doanh các khâu, công đoạn khác nhau của cùng một quá trình làm ra một loại nông sản nào đó nhằm chia sẻ và nâng cao lợi ích của mỗi chủ thể tham gia chuỗi  giá trị.

Ảnh minh họa
Ưu tiên hỗ trợ, củng cố các HTX tham gia các dự án, kế hoạch phát triển chuỗi liên kết giá trị nông sản. 

Theo đó, đầu ra của chủ thể kinh doanh này là đầu vào của chủ thể kinh doanh kế tiếp của quá trình kinh doanh. Cốt lõi của cơ chế sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản là cơ chế quản lý sản xuất theo hợp đồng (contract farming). Nhờ vậy, ưu thế của trang trại gia đình và trang trại không có cấp quản lý trung gian được phát huy, điểm yếu của nó lại được hạn chế, khắc phục nhờ sự phát huy ưu thế của doanh nghiệp trong việc giải quyết 3 vấn đề: Thị trường và thương hiệu; áp dụng công nghệ mới; vốn kinh doanh.

Giải quyết được 3 vấn đề này, doanh nghiệp mua, chế biến, bảo quản tiêu thụ nông sản trở thành chủ thể lãnh đạo chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn.

Đây là nội dung lớn thứ 2 trong “Tổ chức sản xuất, kinh doanh ngành nông  nghiệp định hướng liên kết chuỗi giá trị” đang được triển khai ở các địa phương trong cả nước mà trọng tâm là thực hiện các nội dung quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/07/2018 của Chính phủ.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết năm 2022, cả nước có 2.038 chuỗi liên kết được xây dựng theo quy định Nghị định 98 kể từ 2018 đến nay, trong đó có 1.250 HTX nông nghiệp tham gia.

Theo Nghị định 98, có 7 hình thức liên kết được phân loại theo hình thức liên kết giữa các công đoạn trong chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ  chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông  nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, các hình thức tố chức liên kết chuỗi là rất đa dạng và được hình thành dựa trên nhu cầu cụ thể của từng khu vực, từng ngành hàng hoặc từng nhóm chủ thể.

Theo thống kê của các tỉnh, hiện có 815 chuỗi liên kết  từ sản xuất - sơ chế, chế biến - tiêu thụ sản phẩm với 290 HTX nông nghiệp tham  gia; có 770 chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm với 361 HTX nông nghiệp tham gia; 367 chuỗi liên kết chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm với 208 HTX  tham gia.

Triển khai Nghị định 98, đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành phố phê duyệt danh mục các ngành hàng, sản phẩm quan trọng, chủ lực cần khuyến khích và ưu  tiên hỗ trợ thực hiện liên kết.

Các tỉnh, thành phố đã phê duyệt được 933 dự án, kế hoạch liên kết. Có 28/63 tỉnh, thành phố phê duyệt 579 dự án liên kết và 16/63 tỉnh,  thành phố phê duyệt 354 kế hoạch hỗ trợ liên kết. Tổng kinh phí các dự án được  duyệt là 1.921 tỷ đồng (bình quân 3,3 tỷ đồng/dự án), trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 767 tỷ đồng (chiếm 40%), còn lại 60% kinh phí do các DN, HTX và người dân đối ứng. Trong số các dự án liên kết được phê duyệt, có 536 HTX và 213 doanh nghiệp tham gia.

Tuy nhiên, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, mặc dù Nghị định 98 được triển khai gần 5 năm qua và  đã có những kết quả khá tốt ở một số địa phương nhưng việc triển khai còn chậm. Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa rộng rãi. Một số điều kiện quy định để được hưởng  chính sách liên kết quá chặt chẽ, ví dụ như quy định phải có thời gian liên kết ổn định 3 năm hoặc 3 chu kỳ sản xuất. Ngoài ra, do tỷ lệ (%) hỗ trợ của Nhà nước trong dự án liên kết thấp nên HTX khó có khả năng đối ứng và doanh nghiệp ít quan tâm.

“Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền về các nội dung quy định trong Nghị định 98; hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn mà các địa  phương, doanh nghiệp, HTX và người dân đang gặp phải. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ, củng cố các HTX tham gia các dự án, kế hoạch phát triển chuỗi liên kết”, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn khẳng định.

Hoài Anh