Ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp đừng để “nước đến chân” mới nhảy

21:57 30/08/2021

Việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đẩy mạnh xuất khẩu khiến các vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm của doanh nghiệp trong nước không ngừng gia tăng. Theo chuyên gia kinh tế, để ứng phó thành công với các vụ kiện, doanh nghiệp trong nước phải có sự chuẩn bị từ trước, tránh để “nước đến chân” mới nhảy.

Gia tăng số lượng vụ việc

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, năm 2020 Việt Nam ghi nhận số lượng vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) tăng kỷ lục với tổng số 39 vụ việc, cao gấp 2,5 lần so với 16 vụ của năm 2019 và bằng gần 20% tổng số vụ việc tính từ năm 1995 tới nay. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn, do ngoài các biện pháp kỹ thuật, một số thị trường còn tăng cường điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM như: CBPG, chống trợ cấp và tự vệ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã khởi xướng 5 vụ việc điều tra CBPG, 1 vụ việc điều tra chống trợ cấp, hoàn tất điều tra 4 vụ việc điều tra CBPG đã khởi xướng điều tra từ năm 2019 và rà soát 4 biện pháp PVTM đang được áp dụng. 

  Doanh nghiệp nên chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Những tháng đầu năm 2021, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam cũng bị các quốc gia nhập khẩu kiện CBPG. Tính lũy kế đến tháng 7/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài.

Đầu tháng 8/2021, Bộ Công Thương cũng ban hành danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp PVTM dựa trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp PVTM hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ 3 nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.

Danh sách theo dõi bao gồm 10 mặt hàng, như: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng; tủ gỗ; ghế sofa có khung gỗ; đá nhân tạo; gạch men; xe đạp điện; ống đồng; vỏ bình gas; ghim đóng thùng; gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục, đây đều là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh trong thời gian qua.

Doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị

Theo các chuyên gia kinh tế, việc đàm phám ký kết các FTA đã mang lại nhiều cơ hội tiếp cận cho hàng xuất khẩu của Việt Nam thông qua các cam kết cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm theo thách thức. Kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhờ các FTA, nhưng hàng hóa xuất khẩu cũng sẽ đối diện với rủi ro lớn hơn, trở thành đối tượng của các cuộc điều tra PVTM do nước ngoài khởi xướng.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình- Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, việc gia nhập vào các FTA, tham gia sâu vào thị trường quốc tế thì hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài bị điều tra là hết sức bình thường. Điều này không chỉ xảy ra với riêng Việt Nam, mà với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn, trở thành đối tượng điều tra của các vụ kiện PVTM sẽ không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất trong nước có sản phẩm là đối tượng bị điều tra, mà còn ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo đó, để hạn chế tình trạng bị điều tra PVTM, bên cạnh việc trang bị kiến thức cơ bản về PVTM, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ bị kiện PVTM, theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM, tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan trong quá trình xử lý vụ việc, bản thân các doanh nghiệp nên sẵn sàng tâm thế có khả năng bị kiện và chuẩn bị về về thông tin để phối hợp với các cơ quan liên quan trả lời các câu hỏi trong phiếu điều tra, chứ không đợi đến khi bị kiện rồi mới đi tổng hợp thông tin, như vậy sẽ rất khó để có sự chuẩn bị chu đáo.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam những năm gần đây cũng đã có sự chuẩn bị rất tốt thông tin và đã giành chiến thắng trong các vụ kiện CBPG. Điển hình nhất là vào tháng 3/2021, Ủy ban CBPG Australia (ADC) chính thức kết luận dây thép cuộn của Việt Nam không bán phá giá tại thị trường này và chấm dứt cuộc điều tra sau hơn 3 năm (từ tháng 6/2017). Cụ thể, bị đơn của phía Việt Nam trong vụ việc này là Tập đoàn Hòa Phát, đã chủ động phối hợp với ADC trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ mọi thông tin, tài liệu theo yêu cầu của phái đoàn đại diện ADC sang Việt Nam thẩm tra trực tiếp vào tháng 8/2017. Đồng thời, Tập đoàn Hòa Phát cũng tích cực đưa ra những bản đệ trình phản biện các lập luận của nguyên đơn, cung cấp bổ sung đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh theo yêu cầu của ADC trong suốt quá trình điều tra vụ việc. Câu chuyện của Hòa Phát cũng là bài học cho nhiều doanh nghiệp trong nước trong việc ứng phó với các vụ kiện PVTM đang ngày một gia tăng.

Theo Báo Công thương