Linh hồn của nền kinh tế thị trường
- Theo thống kê của Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, Việt Nam hiện có có gần 800 nghìn doanh nghiệp hoạt động, trong đó hơn 97% có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, ông nhìn nhận gì về vai trò của lực lượng này trong nền kinh tế?
Khi chúng ta nói đến doanh nghiệp nhỏ và vừa là nói đến doanh nghiệp tư nhân vì tuyệt đại đa số là tư nhân, một lực lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Đóng góp vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập…
Nhưng có một điều ít người nói hơn mà cá nhân tôi cho rằng cực kỳ quan trọng, đó là khi chúng ta nói đến kinh tế tư nhân là nói đến kinh tế thị trường, và nói đến thị trường thì linh hồn là cạnh tranh.
Nền kinh tế sẽ không có cạnh tranh nếu không có doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó chính là lực lượng tạo ra “chất chơi”, “chất cạnh tranh” của nền kinh tế thị trường. Không có cạnh tranh thì không có kinh tế thị trường!
Nếu nhìn vào lịch sử phát triển các quốc gia ở khu vực châu Á thì nước nào cũng vậy, sự hùng mạnh của quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp tiên phong, doanh nghiệp đầu đàn có tính dẫn dắt.
Nhưng để có được các doanh nghiệp lớn thực sự thì cũng phải đi từ nhỏ và vừa. Sẽ không có một khu vực tư nhân năng động cũng như các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh nếu như thiếu sự phát triển lành mạnh của lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đằng sau việc này có một vế rất quan trọng là chất sáng tạo, chất cá nhân. Lịch sử phát triển cho thấy sáng tạo không phụ thuộc nhiều vào quy mô, ngay cả trong doanh nghiệp lớn thì sáng tạo vẫn là các cá nhân và nhóm nhỏ. Bản quyền sở hữu có thể là tập đoàn sẽ nắm giữ nhưng bản chất sáng tạo đó đến từ cá nhân và nhóm nhỏ trong tập đoàn đó. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đổi mới sáng tạo là cực kỳ quan trọng.
Không phải cứ cá lớn nuốt được cá bé
- Số liệu thống kê cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” tăng 14,5% so cùng kỳ 2022; có hơn 50 nghìn doanh nghiệp đóng cửa, vượt xa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động (gần 38 nghìn) và gấp đôi số đóng cửa trong 2 năm bùng dịch covid. Con số này khiến ông có suy nghĩ gì về bức tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay?
Số liệu này là điều có thể hiểu được trong bối cảnh kinh tế thế giới và Viêt Nam trong năm qua trở lại gần đây. Trong kinh tế có khái niệm “phá hủy sáng tạo”, khi chúng ta nhìn nhận sự đóng cửa hay phá sản của một doanh nghiệp theo hướng không chỉ có tiêu cực.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa họ phản ứng rất nhanh và linh hoạt trước những biến động của nền kinh tế, và vì họ nhỏ nên chi phí cho sự thay đổi ít hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp lớn. Họ đóng cửa không có nghĩa là họ chết, mà có thể họ có một sáng tạo khác, một cách thức khác để phát triển kinh doanh trong mô hình mới.
Doanh nghiệp lớn họ cũng có sự đau đầu của họ, thời buổi này không phải là cứ “cá lớn nuốt cá bé”, mà chính là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Doanh nghiệp nhỏ chắc chắn sẽ thích ứng và biến hóa nhanh hơn doanh nghiệp lớn, đó chính là lợi thế của họ, với sự sáng tạo, sự nhỏ gọn mà họ đang có sẽ giúp họ quay trở nhanh hơn rất nhiều.
Nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, tôi thấy một điều doanh nghiệp Việt Nam rất khác so với ở các nước phát triển nói chung đó là họ luôn dành một phần lợi nhuận để tái đầu tư, còn chúng ta thường rất ít khi để lại để tái đầu tư đặc biệt cho khâu công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm.
Một lát cắt nhận diện điển hình khác của nền kinh tế là doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ thấp, chỉ 2% nguồn vốn dành cho đổi mới công nghệ và chỉ khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu của doanh nghiệp dùng cho việc nghiên cứu phát triển này. Hơn 50% doanh nghiệp tư nhân vay vốn ngân hàng chủ yếu để “trang trải hoạt động” thay vì đầu tư cho đổi mới – sáng tạo, mua sắm thiết bị máy móc và công nghệ.
Cần hiểu giới tài chính và biết “chơi” với họ
- Thực tế thì nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả, lãng phí nhiều nguồn lực quốc gia, trong khi đó doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất quan trọng như ông đã nói ở trên nhưng rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn?
Vấn đề tiếp cận vốn thì muôn thủa, có quá nhiều người nói rồi và nó cũng dễ hiểu thôi. Chúng ta có thể soi chiếu từ hai góc độ, từ người cho vay và người đi vay.
Từ góc độ của người cho vay thì rõ ràng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa không có lợi thế về quy mô nên lợi nhuận thấp, chi phí quản lý cao. Từ góc độ người đi vay là các doanh nghiệp thì cũng có nhiều câu chuyện kỹ thuật liên quan đến tính minh bạch, các báo cáo tài chính, giải trình, viết dự án…
Nhưng tôi tin các ngân hàng và các định chế tài chính vẫn luôn quan tâm đến đối tượng này. Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải hiểu thế giới tài chính, phải biết “chơi” với họ, phải hiểu các “luật chơi” và phải biết “khoe” đúng chỗ vì có rất nhiều định chế, rất nhiều kênh huy động tài chính chứ không chỉ có tín dụng từ ngân hàng.
Thực sự có rất nhiều kênh khác mà doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thường không biết và không để ý. Từ các kênh phi chính thức đến chính thức, tài chính vi mô, cho thuê tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm…
Chuyện đi vay nợ là bình thường của mỗi cá nhân hay doanh nghiệp, điều quan trọng là phải làm đối tác hiểu rằng mình có khả năng trả nợ. Vấn đề cơ bản trong “trò chơi” quản trị tài chính là tạo ra và duy trì lòng tin. Sâu xa của lĩnh vực tài chính bao giờ cũng có thông tin bất đối xứng nên ở đây vấn đề lòng tin, sự chân thành, trung thực, minh bạch với nhau là rất quan trọng.
Tài sản bao nhiêu tiền không phải điều quan trọng nhất vì người ta không chết bởi không có tài sản mà có khi chết vì ngồi trên một đống tài sản. Tài sản chỉ thực sự có giá trị khi phải gắn với dòng tiền. Đây là thước đo để đánh giá tình trạng kinh doanh của một doanh nghiệp hay một dự án.
Khi kiểm tra thu nhập hay tăng trưởng của một doanh nghiệp, những số liệu kế toán chưa chắc đã phản ánh chính xác thực tế kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí, nhiều nhà đầu tư không mấy tin tưởng vào các con số công bố trong báo cáo kết quả kinh doanh, họ thích sử dụng biện pháp phân tích dòng tiền để thay thế, vì các con số thì có thể được nhào nặn ra chứ dòng tiền thì không.
Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng rất lớn nên nếu không cho doanh nghiệp này vay thì sẽ có doanh nghiệp khác cần vay thay thế ngay nên vị thế mặc cả của doanh nghiệp không mạnh. Vì vậy trong câu chuyện này vai trò của Hiệp hội, của bảo lãnh là rất quan trọng, vừa tạo lòng tin vừa giảm thiểu rủi ro cho phía cho vay.
Hay như liên quan đến vấn đề thế chấp, thì mình phải rất hiểu các cơ chế bảo lãnh nếu có để tận dụng, các chương trình cho vay theo tín chấp hoặc dòng tiền. Ví dụ như cơ chế “bao thanh toán”, nếu doanh nghiệp có hợp đồng với doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng thì chính hợp đồng đó là bảo lãnh lớn để doanh nghiệp huy động nguồn tiền, có rất nhiều cách để bão lãnh, doanh nghiệp phải biết tận dụng và có hiểu biết về nó.
Tôi cũng nghĩ không nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng hình thức cho thuê tài chính. Từ biết, hiểu rồi vận dụng và “chơi” những trò chơi tài chính này là cả một chặng đường nhưng để thấy là có rất nhiều con đường nếu các doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn.
Tạo sân chơi công bằng và cạnh tranh tự do
- Còn từ góc độ quản lý chính sách vĩ mô của Nhà nước thì đâu là những trở ngại và hướng giải pháp để chúng ta có một lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển lớn mạnh xứng tầm trong nền kinh tế quốc gia thưa ông?
Như Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới (WB) mà tôi có tham gia biên soạn có nhắc đến, vấn đề này có nguyên nhân từ những yếu kém trong đảm bảo quyền tài sản, “sân chơi” không công bằng, sự méo mó của các thị trường nhân tố sản xuất cũng như việc khó tiếp cận chúng, và chi phí giao dịch cao.
Về mặt pháp lý, điểm yếu lớn nhất có lẽ là khung khổ đảm bảo quyền sở hữu tư nhân và cạnh tranh tự do và công bằng. Yếu kém trong thực thi pháp luật về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ đã kìm hãm sự nảy sinh các doanh nghiệp lớn mạnh và có tính cạnh tranh cao.
Thực tế là các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm ưu thế trong nhiều ngành và nhận được nhiều ưu đãi thông qua mối quan hệ thân hữu với quan chức nhà nước. Điều này cũng đang làm giảm cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp lành mạnh.
Sự không công bằng về môi trường kinh doanh cũng thể hiện qua khả năng tiếp cận vốn, đất đai, thông tin, cơ sở hạ tầng và lao động của khu vực tư nhân. Chi phí giao dịch được cho là còn rất cao, xuất phát cả từ sự quan liêu cũng như nạn tham nhũng. Trong khi đó, cơ quan cạnh tranh không làm tốt được công việc của mình do quyền lực yếu và tính độc lập thấp.
Và tất nhiên, vấn đề còn nằm ở chính sự yếu kém của các doanh nghiệp về nhận thức pháp luật và thị trường, tầm nhìn phát triển và mạng lưới hợp tác, cách thức quản trị, văn hóa doanh nghiệp…
Sau tất cả, thành hay bại vẫn là trách nhiệm của mình, các doanh nghiệp chúng ta phải tự vươn lên nỗ lực không ngừng, phải tự cứu mình và linh hoạt thích ứng trước mọi khó khăn mà mình đối mặt.
- Cảm ơn ông!
Cao Nhật (thực hiện)