Ngay sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam – một mức thuế rất cao có thể gây tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ – Việt Nam đã có phản ứng nhanh chóng và chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế, giữ vững vị thế trong quan hệ thương mại song phương. Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra vào tối 4/4 (giờ Việt Nam) chính là dấu mốc quan trọng, thể hiện rõ lập trường đối thoại, hợp tác và tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Để có thêm góc nhìn khách quan về vấn đề này, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã có trao đổi với TS.Phí Vĩnh Tường – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới.
Theo TS.Phí Vĩnh Tường, thuế quan hay các công cụ kinh tế khác đã được chính trị hoá, sử dụng như một công cụ để giải quyết những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Mỹ là rõ ràng.
![]() |
TS.Phí Vĩnh Tường – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới. |
TS.Phí Vĩnh Tường cũng chỉ ra rằng, những kinh nghiệm thực tiễn của Canada hay một số quốc gia khác trước bối cảnh bị Mỹ áp thuế cho thấy, vấn đề đàm phán có thể giải quyết được. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Chính phủ Việt Nam có nhiều công cụ trong tay để đàm phán với Mỹ về vấn đề này, nhất là trong bối cảnh hai nước vừa mới nâng cấp quan hệ song phương và năm nay là dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
"Rõ ràng đây là tín hiệu cho thấy mong muốn Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán, có tính đến lợi ích của mỗi bên. Công tác đối ngoại lúc này cần phát huy vai trò của mình để hiểu được rõ mong muốn từ phía Mỹ. Trên cơ sở đó, các bộ ngành như bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường… có thể cung cấp cho Chính phủ các công cụ đàm phán hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc độc lập tự chủ của Việt Nam", TS.Phí Vĩnh Tường cho biết. |
TS.Phí Vĩnh Tường cũng cảnh báo rằng, khi chính quyền Tổng thống Trump đã biến thuế và một số công cụ kinh tế khác trở thành công cụ chính trị, thì rõ ràng những mục tiêu như phát triển sản xuất trong nước, tăng việc làm hay giải quyết thất nghiệp của nền kinh tế Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất. “Cho nên, những tuyên bố về kỳ vọng trên thực tế chưa chắc đã là mong muốn thực sự. Còn có những mục tiêu khác mà phía Mỹ quan tâm và đây là vấn đề đặt ra cho các bộ ngành trong việc làm rõ những mục tiêu dài hạn của Hoa Kỳ, từ đó tư vấn cho Đảng và Nhà nước các đối sách phù hợp – vừa đảm bảo tôn trọng nguyên tắc độc lập, tự chủ, vừa tạo môi trường vĩ mô ổn định cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển,” TS. Phí Vĩnh Tường phân tích.
Trong nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Riêng trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 119,5 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việc áp thuế 46% có thể làm tăng mạnh giá thành các mặt hàng Việt Nam tại Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử, da giày… Đáng lo ngại hơn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ mất đơn hàng và thị phần nếu không nhanh chóng điều chỉnh chiến lược.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Phí Vĩnh Tường chia sẻ: "Rõ ràng, mức thuế mới tác động đến tổng thể nền kinh tế và đến các doanh nghiệp Việt Nam, đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trong đó có sức cạnh tranh của các sản phẩm do doanh nghiệp May Sông Hồng, Savimex, TNG trên thị trường Mỹ. Trong ngắn hạn, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp sẽ tăng cao; các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể dừng các đơn hàng mới và doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường Mỹ, thị phần thu hẹp. Trong dài hạn, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đề cập ở trên có tiếp tục nằm trong các chuỗi cung ứng toàn cầu (do người mua là các doanh nghiệp Mỹ dẫn dắt) hay không là thách thức lớn nhất. Với xu thế friend-shoring chiếm vị trí chủ đạo, rủi ro bị loại khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu tăng cao, đây là vấn đề cần được công tác đối ngoại ở các cấp phải giải quyết để gỡ khó cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Tổng bí thư đã có những chỉ đạo phát triển khu vực kinh tế tư nhân như là một trụ cột mới của nền kinh tế Việt Nam".
Friend-shoring là gì?Friend-shoring là hoạt động xảy ra khi một chính phủ thúc đẩy các doanh nghiệp tái cơ cấu chuỗi cung ứng, chuyển hoạt động sản xuất từ các đối thủ địa chính trị sang các nước thân thiện hơn.Friend-shoring là đầu được được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đề cập như một chiến lược chính thức trong một sự kiện hồi tháng 4/2022. |
![]() |
các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt và thích ứng hơn với các điều kiện thay đổi của thị trường quốc tế. |
Trong bối cảnh rào cản thuế quan tăng cao, ngoài phản ứng nhanh chóng và nhất quán từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì từ phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chuyển từ thế bị động sang chủ động điều chỉnh chiến lược xuất khẩu.
TS. Phí Vĩnh Tường cho rằng, các doanh nghiệp phải nhận thức rõ ràng về nhu cầu thay đổi và tìm ra những hướng đi mới, đặc biệt là ngay từ khi thị trường châu Âu đã bắt đầu có những tín hiệu tiêu cực đối với hàng dệt may Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với hàng hóa từ các nước Nam Á. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt và thích ứng hơn với các điều kiện thay đổi của thị trường quốc tế. Việc nâng cấp lên các chuỗi giá trị gia tăng cao hơn, tìm kiếm các thị trường quốc tế mới hoặc lựa chọn các thị trường ngách là những chiến lược khả thi. Tuy nhiên, để thực hiện được những chiến lược này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về công nghệ và Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh này, đề xuất đưa thuế nhập khẩu song phương về 0% giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ là một động thái hợp lý mà còn là cơ hội để củng cố vị thế của Việt Nam như một đối tác chủ động và có trách nhiệm trong thế giới kinh tế đầy biến động. Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Trump đã thu hút sự chú ý lớn từ các hãng truyền thông quốc tế như CNN và Bloomberg, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới. Đây là tín hiệu tích cực, mở ra triển vọng khôi phục môi trường thương mại thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước, nếu các cuộc đàm phán đạt kết quả khả quan.