Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho 145.813 lao động, đạt 88,3% so với kế hoạch năm. Trong số này, có 1.663 lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm và trung tâm dịch vụ việc làm; 14.798 lao động được giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và các hình thức khác.
Cũng trong tháng 7, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 615 đơn vị, doanh nghiệp. Tổng số nhu cầu tuyển dụng và tuyển sinh là 11.350 người, số lao động được phỏng vấn là 4.294 lao động và 1.663 lao động được tuyển dụng tại các phiên giao dịch.
Thành phố đã ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 7.369 người với số tiền hỗ trợ là 210,6 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 7.247 người và hỗ trợ học nghề cho 74 người với số tiền hỗ trợ là 297,7 triệu đồng.
Hà Nội cũng đã thông báo 513 lượt công ty được chấp thuận tuyển dụng lao động là người nước ngoài, bao gồm 283 vị trí nhà quản lý, 34 vị trí giám đốc điều hành, 424 vị trí chuyên gia và 70 vị trí lao động kỹ thuật. Thành phố đã cấp mới 592 giấy phép, cấp lại 163 giấy phép, gia hạn 348 giấy phép cho lao động nước ngoài và xác nhận 78 trường hợp người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Đồng thời, đã tiếp nhận đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu cho 126 đơn vị với 49.787 thiết bị nhập khẩu.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, và thời gian tới thành phố sẽ tập trung tăng cường gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch, hội chợ việc làm, cũng như trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ người học tìm việc làm sau khi tốt nghiệp và gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ nghiên cứu và đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, nhằm giúp họ tham gia thị trường lao động và có việc làm bền vững. Thành phố cũng sẽ ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để triển khai các chương trình tín dụng giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững.
P.V (t/h)