![]() |
Trình duyệt Google Chrome được cho là có trị giá 50 tỷ USD |
Trình duyệt web Chrome của Google – công cụ chiếm tới 66% thị phần trình duyệt toàn cầu – có thể sớm trở thành tâm điểm trong cuộc chiến chống độc quyền lớn nhất tại Mỹ trong nhiều năm trở lại đây. Nếu bị buộc phải bán, Chrome có thể được định giá lên tới 50 tỷ USD, theo lời ông Gabriel Weinberg, CEO của DuckDuckGo – đối thủ cạnh tranh của Google trong lĩnh vực trình duyệt và công cụ tìm kiếm.
Trong phiên điều trần mới đây thuộc vụ kiện chống độc quyền do Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) khởi xướng, ông Weinberg cho biết: “Tôi nghĩ trình duyệt này có giá trị ít nhất là 50 tỷ USD nếu được đưa ra thị trường, và đó là con số vượt xa khả năng tài chính của DuckDuckGo”. Ông cho biết đây là con số ước tính sơ bộ, dựa trên lượng người dùng khổng lồ của Chrome.
Con số mà ông Weinberg đưa ra cao hơn đáng kể so với ước tính khoảng 20 tỷ USD do các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence công bố trước đó. Trong khi Google chưa đưa ra bất kỳ con số chính thức nào về giá trị của Chrome, thì giới quan sát cho rằng trình duyệt này là “con gà đẻ trứng vàng” khi kết hợp chặt chẽ với hệ sinh thái quảng cáo đồ sộ phía sau.
Google hiện không có ý định bán Chrome. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp và một nhóm các bang tại Mỹ đang đề xuất các biện pháp mạnh mẽ để chấm dứt hành vi độc quyền, trong đó có khả năng buộc Google phải thoái vốn khỏi trình duyệt phổ biến nhất thế giới này. Thẩm phán Amit Mehta – người chủ trì vụ kiện – đã từng phán quyết rằng Google độc quyền bất hợp pháp trong lĩnh vực tìm kiếm, và đang cân nhắc các phương án xử lý do cơ quan chức năng đề xuất.
Một kịch bản khác cũng mới xuất hiện khi OpenAI – công ty phát triển ChatGPT – bày tỏ sự quan tâm đến việc mua lại Chrome nếu tòa án yêu cầu Google phải bán trình duyệt này. Theo OpenAI, Chrome sẽ là công cụ lý tưởng để đưa ChatGPT tiếp cận nhiều người dùng hơn, vượt xa con số 400 triệu người đang sử dụng hiện nay. Trong khi đó, Google đang tích hợp mạnh mẽ mô hình trí tuệ nhân tạo Gemini vào hệ sinh thái sản phẩm của mình, khiến ChatGPT chỉ có thể được truy cập thông qua tiện ích mở rộng hoặc ứng dụng cài đặt riêng – một bất lợi không nhỏ trong cuộc đua AI.
Nếu tòa án ra phán quyết buộc Google phải bán Chrome, đây sẽ là bước ngoặt lịch sử chưa từng thấy kể từ vụ chia tách tập đoàn viễn thông AT&T vào những năm 1980. Dự kiến, phán quyết cuối cùng sẽ được công bố vào tháng 8 tới. Sau đó, Google vẫn có thể kháng cáo nếu muốn kéo dài cuộc chiến pháp lý.
Không chỉ riêng Google, Meta – công ty mẹ của Facebook – cũng đang đối mặt với các yêu cầu tương tự, có thể bị buộc phải bán WhatsApp và Instagram nếu bị kết luận là vi phạm luật chống độc quyền.