Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết hai tuần qua, các lãnh đạo, các cấp, các ngành của TP đã nỗ lực thực hiện lời hứa với người dân, khắc phục hạn chế, sửa lỗi của mình. Từ đó đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, đáng chú ý là có sự chuyển biến tốt trong ý thức của người dân. “Công tác phòng chống dịch chỉ có thể thành công khi người dân tự giác trong việc bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng, kết hợp với những biện pháp quyết liệt từ phía chính quyền” - ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca dương tính còn cao, trường hợp cần điều trị vẫn nhiều hơn so với năng lực của hệ thống y tế, dẫn tới quá tải và số ca tử vong cao. Vì vậy, trong thời gian tới, TP.HCM đặt ra nhiệm vụ ngăn nguồn lây, giảm tỉ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong.
“Vùng đỏ trên bản đồ COVID-19 của TP vẫn còn nhiều nên cần phải nỗ lực để xanh hóa bản đồ” - ông Mãi nói và cho biết từ nay đến 15-9, TP sẽ cố gắng chuyển biến tình hình thêm một bước, chứ không phải đến thời điểm đó có thể giải quyết hết dịch bệnh như mục tiêu mà Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt ra.
Trong đó, TP sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện đến ngày 15-9 theo hướng tiếp tục giãn cách xã hội trên tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Dự kiến Chủ nhật này (15-8), TP sẽ có kế hoạch cụ thể, trong đó từ nay đến 30-8, TP cố gắng sàng lọc, đánh giá nguy cơ từng địa bàn theo vùng xanh, vùng đỏ để có biện pháp phù hợp.
“Chúng ta phải nhìn nhận tình hình đang diễn biến phức tạp, không phải để bi quan hay hoang mang mà để thấy chuyện này sẽ còn kéo dài. Chúng ta phải chịu khó, có tinh thần, tâm lý “trường kỳ kháng chiến”, trước mắt là đến ngày 15-9, thậm chí chuẩn bị tâm lý dài hơn ở những cấp độ khác nhau” - ông Mãi nói và lấy dẫn chứng ở các nước trên thế giới, kể cả Mỹ và Ấn Độ, dù khi dịch đã đạt đỉnh nhưng 4-5 tháng sau đó dịch vẫn tiếp diễn.
Trước đó, chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng nếu không thực hiện triệt để, nghiêm túc và quyết liệt các biện pháp chống dịch mạnh mẽ thì rất khó giữ vững những thành quả đã đạt được, thậm chí tình hình xấu đi.
Theo ông Đức, thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, TP sẽ xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong giai đoạn 15-8 đến 15-9.
Trong đó phân thành hai giai đoạn (từ ngày 15-8 đến cuối tháng 8 và từ ngày 1 đến 15-9), mỗi giai đoạn đều có những nhiệm vụ cụ thể và quyết tâm đến ngày 15-9 kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Kế hoạch này sẽ được công bố trong thời gian ngắn sắp tới.
Về bóc tách F0, ông Đức cho rằng xét nghiệm là biện pháp rất quan trọng, cần thực hiện theo chiến lược có trọng tâm, trọng điểm. Ở các khu phong tỏa phải xét nghiệm thực sự khoa học, sớm bóc tách F0 để giảm nguồn lây, kết hợp cách ly gia đình với gia đình, người với người. Nếu làm tốt sẽ giảm mạnh F0 trong khu phong tỏa.•
Để chuẩn bị cho giãn cách xã hội kéo dài, ông Mãi cho biết TP sẽ đảm bảo an sinh xã hội, cả về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để người dân yên tâm, không căng thẳng về tinh thần. TP sẵn sàng cho gói an sinh xã hội lần 3 và lần 4. Nếu giãn cách kéo dài đến ngày 15-9 hoặc lâu hơn thì TP sẽ có hình thức để đảm bảo chăm lo cho người dân.
Liên quan đến việc thời gian qua người dân ra đường nhiều hơn, ông Mãi cho biết ông có nhận được phản ánh này.
“Một số người chia sẻ do ở nhà lâu quá nên muốn ra ngoài cho có không khí. Đã chịu đựng rồi, đã hy sinh rồi thì cố gắng làm sao sự hy sinh đó đạt kết quả, còn nếu lúc này buông súng, không kiên trì nữa thì kết quả của thời gian qua sẽ đổ sông đổ biển, kéo dài thì cuối cùng chính người dân sẽ phải gánh chịu” - ông Mãi nói và kêu gọi người dân tiếp tục đồng lòng, tuân thủ các giải pháp giãn cách của TP.
Về kế hoạch sản xuất, ông Mãi cho biết TP tính toán nếu dịch diễn biến tốt hơn thì sẽ mở cửa nền kinh tế trong điều kiện phòng chống dịch.
Mai Anh