Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM, hiện nay bên cạnh tổ chức những đội tiêm cố định, TP còn tổ chức các đội tiêm lưu động để đảm bảo đi từng ngóc ngách cộng đồng dân cư hoặc có thể tiêm chủng cho các công nhân tại doanh nghiệp thực hiện tổ chức "3 tại chỗ".
Nguồn vắc xin chính của TP là do Bộ Y tế phân bổ, vắc xin về đến đâu tiêm đến đó. Ngày 31-7 sẽ có 1 triệu liều vắc xin tài trợ về TP.HCM. Nhiệm vụ của TP là tổ chức tiêm chủng sao cho quy củ và đảm bảo tiến độ. So với đợt 5 tiêm cho đối tượng ưu tiên, thì đợt này TP sẽ thực hiện tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt đối tượng. Chủ trương của TP sẽ không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú, chỉ cần cư trú trên địa bàn TP đều được tiêm.
TP cũng sẽ không giới hạn số lượng tiêm mỗi ngày, có thể tổ chức nhiều hơn 200 liều/ngày để đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, TP cũng sẽ tổ chức tiêm chủng vào buổi tối và có quy định về việc người dân đi tiêm chủng được phép ra ngoài sau 18h với các giấy nhận diện.
Ông Đức cũng cho biết, từ đợt tiêm chủng thứ 5, TP đã giao vai trò chủ chốt trong tiêm vắc xin cho các quận huyện. Sở Y tế có nhiệm vụ cung ứng nguồn nhân lực, có quy định cụ thể cho các đội tiêm, quản lý tiêm ở một số bệnh viện tuyến trên để tiêm cho người có nguy cơ cao.
Quy trình tiêm cũng sẽ được đơn giản hóa, sẽ không ràng buộc người được phải đợi sau tiêm 30 phút. Việc khai báo tầm soát hoặc cam kết tiêm chủng có thể làm trước tại nhà để hạn chế tối đa việc tập trung, tránh nguy cơ lây nhiễm.
Quang Đạo