Tiến hành rà soát 252 văn bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện 19 văn bản có một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong số này, có 8 luật, 10 nghị định, 1 thông tư.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề xuất 106 điều khoản của 93 văn bản cần bổ sung, sửa đổi, thay thế, trong đó có 32 luật, 51 nghị định, 10 thông tư trên tổng số hơn 400 văn bản được rà soát.
Cũng phải nói thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì nhóm rà soát quy định pháp luật về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư (bao gồm cả đầu tư công). VCCI chủ trì nhóm rà soát quy định pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã.
Ngoài 2 nhóm trên, còn 9 nhóm rà soát độc lập, chuyên sâu khác đang làm việc. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì rà soát quy định pháp luật về tài chính, thuế; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tưu vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì rà soát quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên, xây dựng, kinh doanh bất động sản…
Từ nay đến ngày 30/6 (thời hạn 12 nhóm phải hoàn tất báo cáo cuối cùng), chắc chắn, số lượng văn bản được rà soát, đặc biệt là những đề xuất sửa đổi với những phương án cụ thể sẽ rất lớn. Khi đó, khối lượng công việc, đầu mối xử lý cùng các phần việc phải làm sẽ hiển hiện.
Phải nói rõ, đây là phần việc các bộ, ngành thực hiện theo Quyết định 209/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ) và Công văn 1874/BTP_KtrVB của Bộ Tư pháp (về đôn đốc thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngành, bộ).
Áp lực hiện dồn lên vai các cơ quan quản lý nhà nước với trách nhiệm được giao, gồm cả khối lượng, chất lượng và tiến độ công việc.
Mặc dù rà soát hệ thống văn bản pháp luật là công việc thường xuyên của bộ máy nhà nước, nhưng đây là lần đầu tiên, Chính phủ thực hiện một cuộc tổng rà soát hệ thống văn bản liên quan đến đầu tư, kinh doanh với mục tiêu rõ ràng. Đó là xác định các vướng mắc, bất cập, chồng chéo và kịp thời sửa đổi, bổ sung để giải phóng mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn, đi cùng với nhiệm vụ rà soát là yêu cầu có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.
Ngay trong Quyết định 209/2020/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải xác định nội dung các công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức liên quan trong việc rà soát, phát hiện và xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển... Nghĩa là các bộ, ngành sẽ không chỉ chịu sự kiểm tra, giám sát của Chính phủ. mà còn chịu sự giám sát của cộng đồng xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Như vậy, giới đầu tư, kinh doanh sẽ có cơ hội tham gia phát hiện, góp ý, đề xuất các vướng mắc cần phải thay đổi, vì họ sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp.
Môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam đang bước vào giai đoạn cải cách mới mạnh mẽ và toàn diện.
Bảo Duy