Tỉnh Quảng Ninh chung tay tiết kiệm điện mùa nắng nóng năm 2023

21:56 08/06/2023

Hành động tiết kiệm điện của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi DN sẽ góp phần giảm mức tiêu thụ điện, giảm ô nhiễm môi trường không chỉ trong thời gian cao điểm hè mà trong suốt cả năm 2023, góp phần vào sự phát triển chung của Quảng Ninh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Để chuẩn bị kế hoạch cho vận hành mùa nắng nóng năm 2023, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã triển khai thực hiện 13 công trình đầu tư xây dựng, đã đưa vào vận hành trước 31/3/2023 đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa hè 2023, gồm: Xây dựng mới, cải tạo 20,95km đường dây trung thế trên không và cáp ngầm; Xây dựng mới, cải tạo 71,7 km đường hạ thế; Xây dựng mới 43 TBA phân phối với tổng công suất: 14,320MVA; Lắp đặt 20 bộ thiết bị bảo vệ đóng cắt đường dây có điều khiển từ xa (bao gồm máy cắt Recloser và LBS ); Đóng điện đưa vào sử dụng MBA T1- TBA 110 kV Đầm Hà tổng dung lượng 25 MVA. Việc đưa TBA 110 kV Đầm Hà đi vào vận hành đã góp phần cải thiện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực, đồng thời có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị tại địa phương và khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh.

Ngoài ra, Công ty còn áp dụng các giải pháp công nghệ mới trong công tác quản lý vận hành; Thường xuyên sử dụng camera ảnh nhiệt, thiết bị đo phóng điện cục bộ trong công tác kiểm tra để phát hiện và xử lý nguy cơ sự cố; Tăng cường thực hiện công tác hotline, cũng như thực hiện việc sửa chữa, đấu nối, vệ sinh cách điện trong tình trạng đường dây vẫn có điện với 450 phiên vệ sinh cách điện.

Với quy mô và tình hình vận hành lưới điện hiện trạng và trong các giai đoạn tiếp theo Công ty Điện lực Quảng Ninh đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng điện góp phần phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh và đời sống sinh hoạt cho nhân dân

Tuy nhiên, tình trạng nắng nóng kỷ lục xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước làm nhu cầu điện tăng vọt, tại Quảng Ninh, sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 13-15% so với cùng kỳ năm 2022 khiến các nguồn cung cấp điện đều thiếu hụt.

Công nhân PC Quảng Ninh kiểm tra nhiệt độ thiết bị vào giờ cao điểm. Nguồn: Internet
Công nhân PC Quảng Ninh kiểm tra nhiệt độ thiết bị vào giờ cao điểm. Nguồn: Internet.

Trong khi, một số nguồn cung ứng điện chính cho phía bắc huy động thấp, do hạn hán làm các hồ thủy điện thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng; nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn còn hạn chế. EVN phải triển khai một số giải pháp nhằm tiết giảm lượng tiêu thụ điện bằng việc cắt điện luân phiên, đẩy mạnh tuyên truyền vận hành tiết kiệm điện…

Quảng Ninh là một trong những trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước. Thời điểm hiện tại 4/7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn đang vận hành tất cả các tổ máy đạt công suất từ 97 - 100%. Các nhà máy còn lại công suất hoạt động đang ở mức 50 - 60% do sự cố từ các tổ máy hoặc phải giảm công suất vận hành để đảm bảo nhiệt độ nước làm mát đầu ra theo quy chuẩn môi trường.

Ngoài ra, thống kê điện sản xuất trên địa bàn tỉnh tháng 5 ước đạt 3,6 tỉ kWh, tăng 23,12% so với cùng kỳ năm 2022; 5 tháng năm 2023 đạt 16,7 tỉ kWh điện, bằng 15% so với tổng sản lượng điện sản xuất của cả nước và bằng 35% sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện than trên toàn quốc.

Để đảm bảo an toàn hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1) đã yêu cầu điện lực các tỉnh cắt giảm công suất khẩn cấp, theo đó Quảng Ninh bị yêu cầu cắt giảm 158,7MW. Trước thực trạng trên, điện lực Quảng Ninh đã phải triển khai một số giải pháp nhằm tiết giảm lượng tiêu thụ điện bằng việc cắt điện luân phiên.

Gia đình tiết kiệm điện, trường học chung tay tiết kiệm điện

Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025, Quảng Ninh sẽ thực hiện tiết kiệm điện năng tối thiểu 2% so với tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên toàn tỉnh. Trong đó, sẽ phân bổ tiết kiệm cho từng khu vực gồm: Công nghiệp - xây dựng, tiết kiệm 2,44% tổng điện năng khu vực; nông, lâm, ngư nghiệp, tiết kiệm 1,86% tổng điện năng khu vực; thương mại, dịch vụ, du lịch, tiết kiệm 1,45% tổng điện năng khu vực; dân dụng, tiết kiệm 1,42% tổng điện năng khu vực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Ninh đã sớm triển khai nhiều giải pháp ứng phó, với quan điểm ưu tiên cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với ngành điện, ngành than và các doanh nghiệp, chủ đầu tư các KCN để bàn giải pháp hướng đến đạt mục tiêu tốt nhất trong bối cảnh thách thức thiếu hụt năng lượng gây ra.

UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về triển khai ngay các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu điện, bảo đảm cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt yêu cầu phải đảm bảo cấp điện ổn định cho các đơn vị sản xuất than để duy trì sản xuất, đáp ứng nhu cầu cấp than cho các nhà máy nhiệt điện. Ưu tiên cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo tạo ra giá trị gia tăng lớn; lĩnh vực dịch vụ, du lịch trong những thời gian trọng điểm, khu vực trọng điểm theo các tiêu chí cụ thể.

Đồng thời yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, trong đó tính toán, cấp bổ sung lượng than dự phòng trong tháng 6/2023 và các tháng tiếp theo, đảm bảo hoạt động sản xuất điện không bị ảnh hưởng do thiếu than.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành Điện, Công ty Điện lực Quảng Ninh tập trung tuyên truyền thông tin giáo dục cộng đồng nâng cao nhận thức, ý thức thay đổi thói quen sử dụng điện lãng phí, thực hiện tốt sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải với sự tham gia của các khách hàng có sản lượng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên; theo dõi, giám sát chặt chẽ biểu đồ phụ tải của các khách hàng sử dụng điện lớn, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh; phát động chương trình “Gia đình tiết kiệm điện, trường học chung tay tiết kiệm điện”. Đến thời điểm hiện tại đã có 151 khách hàng ký cam kết thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải.

PC Quảng Ninh khảo sát các dây chuyền công nghệ, cũng như tiềm năng điều chỉnh phụ tải của nhiều doanh nghiệp (Ảnh: PC Quảng Ninh)
PC Quảng Ninh khảo sát các dây chuyền công nghệ, cũng như tiềm năng điều chỉnh phụ tải của nhiều doanh nghiệp (Ảnh: PC Quảng Ninh).

Chia sẻ áp lực với ngành Điện, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, doanh nghiệp sản xuất đã tăng cường đầu tư, cải tạo phương tiện, thiết bị, công trình sử dụng năng lượng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát sử dụng năng lượng tại cơ sở tiêu thụ năng lượng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng lại kế hoạch sản xuất để đảm bảo việc tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả cao.

Song song với đó, tỉnh đã triển khai hàng loạt các biện pháp tiết kiệm điện. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện ngay các giải pháp tiết kiệm điện; yêu cầu thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ quan, công sở, điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; tiết kiệm điện tại các hộ gia đình, tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc; cắt hẳn nguồn điện khi không sử dụng các thiết bị điện; Thành lập Ban chỉ đạo cung ứng điện tỉnh do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban để chỉ đạo, thống nhất và đồng bộ công tác tiết giảm nhu cầu sử dụng điện một cách phù hợp, an toàn, tìm các giải pháp tối ưu trong từng tình huống cụ thể để quản trị tình hình, giảm thiểu rủi ro tác động đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự do tình trạng thiếu điện hoặc phải cắt điện, tiết giảm điện gây ra…

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án điện trên địa bàn luôn gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến chậm tiến độ so kế hoạch. Để đảm bảo tiến độ các dự án, trong thời gian tới cũng cần sự quan tâm chỉ đạo, UBND tỉnh, của các cấp chính quyền địa phương trong công tác phê duyệt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù GPMB, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình lưới trên địa bàn (Đường dây 220kV Yên Hưng - Nam Hòa, TBA 110kV: Hùng Thắng, Cao Thắng, Yên Cư, Hoành Bồ, Đông Triều 2, Nam Hòa..) đảm bảo cấp điện ổn định, tin cậy trên địa bàn tỉnh.

Để vận hành an toàn tránh nguy cơ gây sự cố và tai nạn điện, việc bảo vệ hành lang   an toàn lao động cao áp là hết sức quan trọng. Tuy nhiên công ty luôn gặp khó khăn trong việc chặt tỉa cây trong và ngoài hành lang do một số chủ rừng không đồng thuận hoặc đòi hỏi giá trị bồi thường rất cao. Mặt khác vẫn còn một số công trình xây dựng, phương tiện, người dân thả diều, cháy rừng... vi phạm hành lang an toàn gây sự cố lưới điện.

Trong mùa khô năm 2023, vào những ngày thời tiết nắng nóng sẽ có khó khăn về nguồn điện, để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện Quốc gia có thể sẽ phải tiết giảm công suất vào một số khung giờ cao điểm. Công ty Điện lực Quảng Ninh rất mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân, đồng thời thực hành tiết kiệm điện để đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.

Nam Trí Đức