Tiếp tục duy trì và khẳng định ngành nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế

14:44 20/01/2021

Nhờ tích cực mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại bằng các giải pháp linh hoạt, dù dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng có lúc gián đoạn nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 tiếp tục lập những kỷ lục mới.

Thành tựu trong một năm đặc biệt

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2020 ngành NNPTNT tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,65%, sản lượng lương thực thực phẩm đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và phục vụ xuất khẩu.

Nhờ tích cực mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại bằng các giải pháp linh hoạt, dù dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng có lúc gián đoạn nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 tiếp tục lập kỷ lục mới. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt 41,25 tỉ USD, tăng 2,5% so với năm 2019, con số cao nhất từ trước đến nay.

Nông nghiệp sẽ vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong năm 2021
Năm 2020, ngành NNPTNT tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,65%.

Năm 2020, ngành NNPTNT tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD (lũy kế giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2020 đạt 13,223 tỉ USD; tôm ước đạt 3,66 tỉ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỉ USD; hạt điều đạt 3,24 tỉ USD; gạo 3,07 tỉ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

“Mặc dù thiên tai khắc nghiệt nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đã hạn chế thiệt hại trong hoàn cảnh dị thường của thời tiết, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân của người dân đạt 43 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành chỉ tiêu đề ra, với 62% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, vượt chỉ tiêu 5 năm đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Quan trọng nhất là ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo được lương thực thực phẩm cho người dân trong nước. Thậm chí Việt Nam vẫn đảm bảo được 43 triệu tấn lúa, xuất khẩu được 6 triệu tấn gạo. Xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua mức 41 tỷ USD, tạo ra trên 10 tỷ USD xuất siêu, chiếm khoảng 50% tổng xuất siêu của Việt Nam trong năm 2020. “Với đà tái cơ cấu nông nghiệp như hiện nay cùng với các cơ hội mở ra từ nhiều hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và sự chủ động của ngành nông nghiệp, tin tưởng rằng sẽ tạo ra sức kéo mới giúp nông nghiệp tiếp tục trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong năm 2021”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng: “Ngành nông nghiệp có nhiều sản phẩm đặc thù được ưu tiên, Việt Nam lại có lợi thế về phát triển sản phẩm theo vùng miền, đặc biệt, xu hướng phát triển tuần hoàn giữa chăn nuôi và trồng trọt đem đến cơ hội để chúng ta quay lại sản xuất hữu cơ và giúp tăng chuỗi giá trị trong nông nghiệp”. 

Tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ rõ: Trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang và sẽ phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn, trong đó thách thức đầu tiên mang yếu tố chủ quan là nền nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn đang sản xuất ở quy mô hộ nhỏ lẻ.

“Đây là nút thắt, nếu càng hội nhập sâu rộng thì sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ càng khó cạnh tranh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Cũng theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thách thức thứ hai là tác động của biến đổi khí hậu, khi Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu, xảy ra trên cả 7 vùng kinh tế xã hội. Thách thức thứ ba là chúng ta đang trong quá hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với nền tảng cơ bản là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như đã nói ở trên.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 13 FTA với tất cả các thị trường lớn trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2020, đã có nhiều FTA được ký kết hoặc đi vào thực thi.

“Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, giúp nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu vào EU được hưởng ưu đãi lớn về thuế. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết, mở ra cục diện tích cực vì thị trường được mở ra, thuế quan được ưu đãi, hiệu quả kinh tế cao hơn khi chúng ta đứng trước cơ hội mở rộng thị trường; dòng chảy đầu tư, công nghệ, trao đổi hợp tác cũng được nâng lên”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, đồng thời nhấn mạnh:

Cái gì cũng có hai mặt của nó, tham gia các FTA cũng có nghĩa chúng ta phải cạnh tranh với hàng hóa của nước bạn, chấp nhận cuộc chơi khốc liệt, nếu như hàng rào thuế quan được gỡ bỏ thì sẽ có những hàng rào kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan được dựng lên, thậm chí một số nước tiến tới con đường bảo hộ mậu dịch. Trong khi đó, trình độ phát triển logistics, trình độ quản trị của chúng ta chưa hoàn thiện, đây là những thách thức lớn chúng ta phải đối mặt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để tiếp tục duy trì và khẳng định là “bệ đỡ” của nền kinh tế, năm 2021 ngành nông nghiệp phải quyết tâm cao để vượt qua những khó khăn và thách thức của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng như những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Để vượt qua thách thức trên, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp...

Trong đó, tập trung nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng và phục vụ xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp theo chuỗi.

"Phải nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.

Theo đó, cần đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với toàn cầu,... Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành, trong đó chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.

TH