Trong khoảng vài năm trở lại đây, Campuchia đã trở thành vùng nguyên liệu chính cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam chế biến xuất khẩu, mang lại lợi ích về kinh tế cho cả hai nước. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia cũng tăng vọt.
Đánh giá về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia tăng trưởng trung bình 17%/năm, tăng từ 2,92 tỷ USD năm 2016 lên đến 5,31 tỷ USD năm 2020.
Năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia tiếp tục bứt phá, đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,83 tỷ USD, tăng 16,4% và nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 4,71 tỷ USD tăng 299,8% so với năm 2020.
Riêng trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại của Việt Nam với Campuchia đạt gần 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến năm 2022, kim ngạch thương mại song phương sẽ vượt mức 11 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và Campuchia có sự bổ sung lẫn nhau. Campuchia có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng sắt thép, vật liệu xây dựng, nhiên liệu, đồ nhựa, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, phân bón...
Ngược lại, Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng là thế mạnh của Campuchia như hàng nông sản (cao su, hạt điều, sắn, ngô…) để phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia gặp nhiều thuận lợi từ hệ thống khuôn khổ pháp lý ưu đãi về thương mại song phương như Hiệp định Thương mại biên giới, Bản Thoả thuận thúc đẩy thương mại song phương...
Tương tự, Việt Nam hiện là đối tác tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Campuchia với xấp xỉ 90% sản lượng. Trao đổi với Thanh Niên, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết: “Trong nhiều năm gần đây, nhiều nhà đầu tư từ Việt Nam đã sang Campuchia trồng hồ tiêu và sản lượng nước này mỗi năm từ 15.000 - 16.000 tấn. 90% lượng hồ tiêu này được các doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ, chỉ một số ít bán qua Lào, Thái Lan... Về chất lượng, hồ tiêu Campuchia hoàn toàn không thua kém Việt Nam và có thể đáp ứng nguồn nguyên liệu khi trong nước có nhu cầu”.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang Campuchia trong thời gian tới, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và tận dụng tối đa các ưu đãi cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định/Thỏa thuận mà Việt Nam và Campuchia đã ký kết trong khuôn khổ đa phương và song phương.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu từ mỗi nước; nâng cao hàm lượng chế biến trong các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu giữa hai nước; đầu tư thích đáng vào xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa tại thị trường mỗi nước; thiết lập kênh phân phối hàng hóa tại thị trường để đảm bảo sự chủ động và khả năng điều chỉnh trong những lúc thị trường gặp khó khăn.
Ngọc Phi (tổng hợp)