Các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào Hàn Quốc cần chú ý quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Đến nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong năm 2017, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,56 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc nhập khẩu trị giá 980 triệu USD các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi của Việt Nam. Hàng Việt Nam chiếm khoảng 3,5% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc trong năm 2017.
Kết quả trên phần lớn nhờ vào những ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Trong đó, nông sản là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Mặc dù thị trường nông sản Hàn Quốc còn nhiều dư địa để doanh nghiệp (DN) Việt Nam khai thác, tuy nhiên, đây là thị trường khó tính, mức độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cao, có nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt, đòi hỏi các DN xuất khẩu Việt Nam phải nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn kỹ thuật để thuận lợi hơn khi xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Theo thông tin từ Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) Hàn Quốc, nhập khẩu hàng nông lâm sản từ Việt Nam nhiều thứ 4 trong số các nước, tính theo số lần nhập khẩu. Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc có thể kể đến là cà phê hạt, cà rốt, chuối, ớt, thanh long, xoài… Tuy nhiên, nông sản Việt Nam khi nhập khẩu vào Hàn Quốc vẫn vấp phải hàng rào kỹ thuật. Trong 3 năm trở lại đây (2015- 2017), Hàn Quốc đã phát hiện 59 lô hàng nông sản nhập khẩu của Việt Nam không đạt tiêu chuẩn, trong đó chủ yếu là mặt hàng mãng cầu xiêm (43 lần), húng quế tây, tiêu, ớt, …
Để tạo thuận lợi cho DN Việt Nam khi xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc theo khuyến cáo từ MFDS, các DN xuất khẩu cần nắm rõ PLS đã được đưa vào áp dụng giai đoạn 1 từ ngày 1/1/2017 trên các loại hạt, quả hạch và các loại trái cây nhiệt đới. Và từ ngày 1/1/2019 tới đây, Hàn Quốc sẽ chính thức tiến hành giai đoạn 2, áp dụng PLS cho toàn bộ các mặt hàng nông sản.
Theo đó, thực phẩm nhập khẩu vào Hàn Quốc sẽ trải qua các bước kiểm tra nghiêm ngặt, bao gồm kiểm tra trên bề mặt hồ sơ, kiểm tra thực địa lô hàng. Đối với hàng nông sản nhập khẩu lần đầu, Hàn Quốc sẽ tiến hành kiểm tra chuyên sâu. Từ lần nhập khẩu thứ 2 trở đi, nông sản đó sẽ kiểm tra theo phương pháp mẫu ngẫu nhiên. Trong trường hợp mặt hàng nông sản đã từng không đạt chuẩn trước đó, Hàn Quốc sẽ kiểm tra chuyên sâu 5 lần liên tục đối với các lần nhập khẩu tiếp theo.
Hạng mục kiểm tra chuyên sâu đối với thực phẩm nhập khẩu bao gồm 370 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 134 loại chưa có tiêu chuẩn về ngưỡng tồn dư cho phép. Đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký thiết lập mức giới hạn cho phép (Maximum residue limit – MRLs), Hàn Quốc sẽ áp dụng mức dư lượng tồn dư mặc định chung là 0,01 mg/kg.
MFDS cũng lưu ý, các DN Việt Nam khi xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc cần rà soát xem mặt hàng nông sản của mình có sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong ngoài danh mục được Hàn Quốc cấp phép, và có nằm trong dư lượng tồn dư cho phép hay không, thông qua website www.foodsafetykorea.go.kr/foodcode. Trong trường hợp nằm ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được cấp phép, DN có thể nộp hồ sơ xin được cấp chứng nhận không vượt mức dư lượng cho phép đối với thuốc bảo vệ thực vật đó, thông qua các công ty thuốc trừ sâu của Hàn Quốc, hoặc đăng ký trực tiếp cho MFDS.
Thanh Thanh