Tăng cường gắn kết doanh nghiệp Việt Nam - Lào |
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Lào: Tầm nhìn mới cho năm 2025 |
Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tổ chức Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào năm 2025 với chủ đề “Thúc đẩy cùng Phát triển bền vững và Thịnh vượng”.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh một số nội dung về kết quả hợp tác đầu tư; đồng thời nêu ra định hướng và một số giải pháp lớn nhằm thúc đầy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào năm 2025 |
Kim ngạch thương mại hai nước đạt 2,2 tỷ USD năm 2024, tăng 33,9% so với năm 2023
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, công tác hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại trong năm 2024 đã được đầu tư quan tâm, tập trung xử lý những vướng mắc và đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Hợp tác đầu tư giữa hai nước đã có những chuyển biến tích cực khi nạm 2024 ghi nhận mức tăng đáng kể trong vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam sang Lào, đạt 191,1 triệu USD, tăng 62,1% so với năm 2023. Các dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác và chế biến khoáng sản.
Tính đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào Lào 267 dự án với tổng vốn đầu tư lũy kế đạt 5,7 tỷ USD. Nhiều dự án đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của Lào, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Đóng góp vào ngân sách Lào đạt khoảng 200 triệu USD/năm, cùng các hoạt động an sinh xã hội tổng cộng đến nay đạt 160 triệu USD.
Năm 2024 đánh dấu mốc quan trọng khi tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 33,9% so với năm 2023. Lào đã xuất siêu sang Việt Nam 732,7 triệu USD, trong đó sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào.
Chính phủ hai nước đã thúc đẩy việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn. Hiệp định mua bán than và điện đã được ký kết, tạo đà cho hợp tác năng lượng trong tương lai, như: Dự án muối mỏ Kali; Dự án khai thác và chế biến quặng Bô-xít và xây dựng nhà máy sản xuất A-lu-min; các dự án điện gió: Trường Sơn, Savan1... đã tạo động lực thúc đẩy các dự án khác của Việt Nam đầu tư sang Lào. Đồng thời, chính sách sử dụng đồng tiền bản tệ trong giao dịch thương mại đã được triển khai, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa và đầu tư.
Những hạn chế trong hợp tác kinh tế và đầu tư
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kinh tế và đầu tư giữa hai nước vẫn đối mặt với một số tồn tại, hạn chế, đòi hỏi các bên cần nỗ lực hơn nữa để tháo gỡ các rào cản, mở rộng cơ hội hợp tác trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu một số vướng mắc như:
Thứ nhất, hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Lào chưa thực sự tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng phát triển to lớn của hai nước. Dù Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia đầu tư lớn nhất vào Lào, nhưng hiệu quả khai thác các tiềm năng hợp tác vẫn chưa được tối ưu hóa.
Thứ hai, một số dự án quy mô lớn, mang tính chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông kết nối hai nước, đang triển khai rất chậm. Nguyên nhân chính là những khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách và nguồn vốn đầu tư. Các dự án hạ tầng quan trọng không chỉ ảnh hưởng đến giao thương giữa hai quốc gia mà còn là yếu tố then chốt thúc đẩy kinh tế khu vực.
Thứ ba, tình hình kinh tế vĩ mô của Lào vẫn chưa ổn định, chưa tạo được niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sự biến động tỷ giá, các vấn đề nợ công và năng lực quản lý kinh tế chưa đồng bộ khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi quyết định đầu tư.
Thứ tư, nguồn nhân lực tại Lào ngày càng khan hiếm, gây ra những khó khăn lớn cho các doanh nghiệp. Xu hướng lao động Lào di chuyển sang các nước lân cận như Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc để làm việc càng làm gia tăng thách thức cho các nhà đầu tư muốn hoạt động lâu dài tại Lào.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, đầu tư của Việt Nam tại Lào đang gặp phải hai “nút thắt” lớn cần được ưu tiên giải quyết:
Xử lý khó khăn cho các dự án hiện có:Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, đặc biệt là những dự án quy mô lớn, đang gặp nhiều vướng mắc cần được các bộ, ngành và địa phương hai nước phối hợp tháo gỡ. Phía Lào cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết dứt điểm những trở ngại này, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án sớm đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cho cả hai bên.
Tạo môi trường hấp dẫn cho nhà đầu tư mới:Với các doanh nghiệp chưa đầu tư vào Lào, chính phủ Lào cần định hướng chiến lược với các giải pháp đột phá nhằm thu hút dòng vốn đầu tư mới. Việc cải cách mạnh mẽ, đổi mới toàn diện và đồng bộ thể chế kinh tế là yêu cầu cấp thiết. Lào cần cắt giảm các thủ tục hành chính chồng chéo, không cần thiết, để giải phóng nguồn lực và tạo không gian phát triển cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là chìa khóa để Lào không chỉ thu hút mà còn giữ chân các nhà đầu tư lâu dài.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Lào: Nâng tăng trưởng từ 10-15%
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2025 đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào. Đây không chỉ là năm bứt phá để hoàn thành các mục tiêu trong Hiệp định hợp tác song phương giai đoạn 2021-2025 mà còn là thời điểm đặt nền móng cho định hướng hợp tác mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Với quyết tâm chính trị cao của hai Đảng, hai Chính phủ và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào hứa hẹn sẽ bước lên tầm cao mới.
"Một trong những nguyên tắc xuyên suốt trong hợp tác Việt Nam - Lào là tinh thần đoàn kết, gắn bó và cùng nhau phát triển bền vững. Trong bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều thách thức, quan điểm nhất quán "càng khó khăn càng phải đoàn kết" là kim chỉ nam giúp hai nước vượt qua trở ngại, chia sẻ kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật pháp. Tinh thần hợp tác này không chỉ dừng lại ở việc cùng phát triển mà còn mang ý nghĩa sâu sắc với phương châm "cùng thắng", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"", theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Về kinh tế, đầu tư và thương mại, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào. Đặc biệt, các ngành như nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến xuất khẩu, năng lượng sạch, khai thác khoáng sản chế biến sâu, và du lịch sinh thái đang là những trọng tâm ưu tiên. Các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến khích đầu tư vào các dự án lớn tại Lào, trong đó có các khu phức hợp du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp. Đồng thời, hai nước sẽ phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, mời gọi sự tham gia của các đối tác chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, nhằm thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào Lào.
Hai bên cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại hàng năm từ 10-15%, thông qua các giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và mở rộng kênh phân phối cho hàng hóa tại mỗi nước. Bên cạnh đó, các dự án hợp tác dọc biên giới Việt Nam - Lào cũng sẽ được thúc đẩy, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác nước thứ ba tham gia đầu tư.
Lễ trao các chứng nhận đầu tư, ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các cơ quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Lào trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, khai thác khoáng sản. Ảnh báo thanhnien |
Một điểm nhấn quan trọng trong quan hệ hợp tác là thúc đẩy kết nối hạ tầng, giúp Lào tăng cường khả năng hội nhập quốc tế. Các dự án chiến lược như bến cảng Vũng Áng, đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn và đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn khẳng định cam kết hợp tác lâu dài giữa hai nước. Để hiện thực hóa các dự án này, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp hai nước là yếu tố không thể thiếu, bên cạnh nỗ lực từ phía chính phủ.
"Để thu hút nguồn lực đầu tư mạnh mẽ hơn, các cơ quan chức năng của Lào cần tập trung vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện chính sách đầu tư, thương mại, thuế, tín dụng, và tạo thuận lợi trong các thủ tục như xuất nhập khẩu thiết bị, kế toán, kiểm toán, và cấp quyền sử dụng đất. Đặc biệt, việc quy hoạch tổng thể lĩnh vực nông nghiệp và phát triển các khu vực sản xuất quy mô lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án. Đồng thời, các khó khăn còn tồn đọng cũng cần được giải quyết dứt điểm để thúc đẩy môi trường đầu tư", theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Tại Hội nghị hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư lần này, hai nước kỳ vọng vào những ý tưởng sáng tạo từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhằm hiện thực hóa các dự án tiềm năng. Với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, và tư duy hợp tác đổi mới, các giải pháp mang tính đột phá chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác lớn, nâng cao hiệu quả đầu tư, và đưa quan hệ Việt Nam - Lào lên tầm cao mới.
Quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Lào không chỉ là minh chứng cho mối quan hệ "hữu nghị vĩ đại" mà còn là cam kết chung về xây dựng một tương lai thịnh vượng, bền vững và lâu dài. Với nền tảng vững chắc, sự đồng hành của chính phủ và doanh nghiệp, chắc chắn mối quan hệ này sẽ không ngừng phát triển, mở ra những chương mới trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia.
Trong cuộc gặp mặt ngày 9/1 với đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước, hai Thủ hướng Chính phủ Việt Nam và Lào có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, nêu ra thông điệp về định hướng hợp tác đầu tư giữa hai nước. Nội dung chỉ đạo của hai Thủ tướng sẽ là cơ sở để các Bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể thời gian tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Lào sẽ lĩnh hội các nội dung chỉ đạo của hai Thủ tướng và ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để cùng các Bộ, ngành, địa phương hai nước tổ chức triển khai thực hiện, nhất là ưu tiên xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư của doanh nghiệp hai nước ngày càng hiệu quả và thực chất. |