Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tại TP.HCM, "điểm nghẽn" lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội chính là sự chồng chéo trong thủ tục hành chính và sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các sở, ngành, quận, huyện. Việc đùn đẩy trách nhiệm khiến nhiều dự án bị trì hoãn, gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp.
Một ví dụ điển hình là dự án nhà ở xã hội Lê Thành – Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Dự án rộng 1,9ha này đã được UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 và chấp thuận chủ trương đầu tư từ quý I/2024. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa thể khởi công do chưa được UBND huyện Bình Chánh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, dẫn đến việc chưa được giao đất và cấp phép xây dựng. Thậm chí, quá trình điều chỉnh quy hoạch còn bị kéo dài vô ích khi các cơ quan chức năng đưa ra hướng dẫn không thống nhất.
![]() |
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị tháo gỡ những rào cản trong phát triển nhà ở xã hội. |
Để cải thiện tình hình, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị các địa phương cần chủ động rà soát, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt các thủ tục liên quan đến đầu tư và xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sửa đổi quy định về tiêu chí kinh nghiệm của nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội.
Thị trường bất động sản năm 2024 đang bước vào giai đoạn phục hồi nhưng vẫn chưa thực sự ổn định. Nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá hợp lý vẫn thiếu hụt nghiêm trọng. Từ năm 2020 đến nay, thị trường chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà cao cấp, trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội vẫn rất cao, khiến giá nhà tiếp tục tăng và vượt quá khả năng chi trả của đa số người dân.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, nhấn mạnh rằng: Chính phủ và địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong việc phê duyệt quy hoạch và cấp phép đầu tư. Cần có giải pháp tạo lập quỹ đất dành riêng cho phát triển nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phân khúc này. Các doanh nghiệp bất động sản cần tái cơ cấu, tập trung vào phát triển nhà ở thương mại giá hợp lý và nhà ở xã hội, đồng thời xử lý hiệu quả nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.
Thị trường bất động sản sẽ chỉ có thể phát triển bền vững khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc tháo gỡ những rào cản về thủ tục hành chính, đảm bảo nguồn cung nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.