Toàn cảnh Hội nghị |
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào, và ông Viengsavanh Vilayphone, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam, đồng chủ trì.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các cơ quan trọng yếu từ cả hai nước. Về phía Việt Nam, đoàn đại biểu bao gồm đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, cùng đại diện 26 bộ, ngành, địa phương. Phía Lào có sự hiện diện của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, và các bộ ngành quan trọng như Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường, An ninh, Công Thương, Lao động và Phúc lợi xã hội.
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình thực hiện Thỏa thuận hợp tác năm 2024, đồng thời thảo luận và hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hợp tác năm 2025 để trình lên hai Chính phủ trong Kỳ họp chính thức diễn ra ngày 9/1/2025.
Ông Viengsavanh Vilayphone đã chia sẻ về tình hình kinh tế - xã hội Lào năm 2024, nhấn mạnh những thành tựu quan trọng: GDP tăng trưởng 4,6%, thu ngân sách vượt kế hoạch trong 4 năm liên tiếp. Lào cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%, tập trung vào đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Ông Viengsavanh Vilayphone đã chia sẻ về tình hình kinh tế - xã hội Lào năm 2024 |
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự ổn định và phát triển của cả hai quốc gia. Một số điểm nổi bật trong hợp tác năm 2024 bao gồm:
Chính trị - đối ngoại: Các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước được thực hiện đều đặn, tiêu biểu như chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Lào và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đến Việt Nam. Việt Nam tích cực hỗ trợ Lào trên cương vị Chủ tịch ASEAN và AIPA.
Kinh tế - thương mại: Kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 32,8% so với năm 2023. Việt Nam hỗ trợ Lào xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2026-2035 và Tầm nhìn 2045. Các dự án năng lượng lớn như Năng lượng gió Trường Sơn, Xekaman 3 đã được thúc đẩy triển khai.
Giao thông vận tải: Hai bên đẩy mạnh hợp tác trong các dự án trọng điểm như đường cao tốc Vientiane - Hà Nội, đường sắt Vientiane - Thakhek - Tân Ấp - Vũng Áng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện hiệu quả Chiến lược hợp tác 10 năm (2021-2030) và Hiệp định hợp tác 5 năm (2021-2025). Năm 2025 là năm cuối thực hiện Hiệp định hợp tác 5 năm, do đó, hai bên cần tập trung vào các mục tiêu trọng tâm, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, và cơ sở hạ tầng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương |
Cụ thể, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng hai bên cần quan tâm triển khai thực hiện một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ về chính trị, ngoại giao: Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào, coi đó là tài sản vô giá, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước. Trong thời gian tới hai Bên cần tiếp tục quán triệt nội dung Thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao, các Biên bản Cuộc gặp thường niên lãnh đạo cấp cao giữa hai đảng; tăng cường quan hệ chính trị và trao đổi đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả; củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác; phối hợp triển khai xây dựng một số công trình và tôn tạo các di tích lịch sử về quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào; tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, tham vấn, ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN và các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương, khu vực và quốc tế.
Thứ hai, tiếp tục hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh; xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện: Đấu tranh hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch; ngăn chặn các loại tội phạm vi phạm pháp luật xảy ra trên khu vực biên giới hai nước; phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Hai bên đã phối hợp triển khai hiệu quả các dự án xây dựng cụm bản, Dự án Trung tâm cai nghiện ma túy và Kích hoạt Dự án xây dựng hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân tại Lào.
Thứ ba, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư-thương mại Việt Nam-Lào:
Việt Nam tiếp tục tăng cường hỗ trợ Lào kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam và các cơ quan chức năng hai nước để tiếp tục triển khai nhiệm vụ rất quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao về việc chủ trì triển khai nhiệm vụ của Tổ chuyên gia Việt Nam hỗ trợ Lào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô và Xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2026-2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế; tạo hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, môi trường thuận lợi; có cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm về an ninh - quốc phòng: Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào, tập trung các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến để trở thành hàng hóa xuất khẩu; năng lượng tái tạo đặc biệt các dự án tại khu vực biên giới hai nước kết nối với lưới điện Việt Nam; mỏ khai khoáng chế biến sâu dành cho doanh nghiệp Việt Nam; kết nối du lịch. Xem xét, thí điểm cơ chế, chính sách mới, đặc thù để thu hút doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Lào. Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai bên, mời các doanh nghiệp lớn, các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…tham dự để thu hút đầu tư.
Thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại tăng trưởng khoảng 10-15%; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối cho hàng hóa tại mỗi nước để đảm bảo sự hiện diện ổn định và đầu ra bền vững.
Về hợp tác mua bán điện: Tiếp tục phối hợp để rà soát, nghiên cứu chi tiết giá mua bán điện cho các dự án điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn sau năm 2025; nghiên cứu kết nối hệ thống đường dây truyền tải của hai nước nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán điện từ các dự án điện tại Lào trong tương lai; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thực hiện các dự án điện gió tại khu vực biên giới để bán điện về Việt Nam.
Thứ tư, tiếp tục dành ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng trong hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Chính phủ Việt Nam sẽ dành học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào; hỗ trợ kinh phí để đào tạo dự bị tiếng Việt 04 tháng tại Lào cho sinh viên Lào trước khi sang Việt Nam. Tiếp tục phối hợp triển khai Đề án “Đưa nội dung các sản phẩm công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học hai nước.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn viện trợ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dài trải, phát huy hiệu quả ngay để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho Lào.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đề nghị hai Ủy ban hợp tác hai nước thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra các dự án sử dụng vốn viện trợ nhằm đôn đốc việc thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng; điều chuyển nguồn vốn đã bố trí trong năm từ các dự án chậm tiến độ cho các dự án đạt, vượt tiến độ và có khả năng giải ngân.
Kết thúc Hội nghị, hai bên đã nhất trí với 2 dự thảo văn kiện gồm: Biên bản Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam năm 2025. |
Dự kiến, ngày 09/01/2025, Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ 02 nước. |