Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm việc với ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông Chính phủ gỡ vướng mắc trong phân cấp, phân quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương hai cấp |
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa mới có chỉ đạo nghiên cứu mở rộng chính sách nhà ở xã hội, đặc biệt dành cho các gia đình đông con và người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt. Đây không chỉ là chính sách an sinh xã hội thông thường mà còn là một thông điệp chiến lược về tầm nhìn dài hạn trong phát triển con người Việt Nam – toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ. Việc đảm bảo chỗ ở ổn định, giá cả hợp lý là bước đệm thiết thực để khuyến khích người dân yên tâm sinh sống, lập nghiệp và sinh thêm con.
![]() |
Thủ tướng đề xuất hỗ trợ nhà ở cho gia đình đông con. |
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất, Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển dịch quan điểm quản lý dân số – từ "kế hoạch hóa" sang "phát triển dân số". Đây là sự thay đổi tư duy quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thời đại: nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực trẻ, khỏe, có tri thức và phẩm chất đạo đức tốt trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam.
Chính sách nhà ở xã hội dành cho gia đình đông con sẽ là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh chiến lược dân số toàn diện của Chính phủ. Nếu được triển khai đồng bộ với các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế và việc làm, đây sẽ là cú hích lớn giúp đảo chiều xu hướng sinh ít, đồng thời bảo đảm phát triển bền vững cả về kinh tế và xã hội cho quốc gia trong tương lai gần.
Nhà ở xã hội là chính sách an sinh then chốt với mục tiêu cung cấp chỗ ở giá rẻ cho các nhóm yếu thế trong xã hội. Từ người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo đến công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp và cán bộ trong lực lượng vũ trang, tất cả đều nằm trong diện được hỗ trợ. Với sự can thiệp của Nhà nước, loại hình nhà ở này không chỉ giúp ổn định đời sống mà còn góp phần tạo nền tảng cho phát triển bền vững.
Trước những thách thức về mức sinh thấp và áp lực chi phí sống tại các đô thị lớn, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã kiến nghị ưu tiên hỗ trợ một lần khi mua nhà ở xã hội cho cặp vợ chồng có hai con. Đây là đề xuất hợp lý trong bối cảnh giá nhà leo thang và chi phí thuê nhà ngày càng cao đang khiến nhiều người trẻ ngần ngại lập gia đình và sinh con. Việc tích hợp chính sách nhà ở với chiến lược dân số sẽ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế, đồng thời tạo động lực thúc đẩy mức sinh.
![]() |
Chình sách nhà ở xã hội ngày càng được chú trọng hơn. |
Mặc dù Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 đã được khởi động với mục tiêu hoàn thành 130.000 căn vào năm 2024, tiến độ thực tế lại đang rất chậm. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mới chỉ có khoảng 21.000 căn được hoàn thành, tương đương 16% kế hoạch. Để hoàn thành mục tiêu còn lại là gần 1 triệu căn giai đoạn 2025–2030, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được giao chỉ tiêu lần lượt gần 45.000 và 67.000 căn. Đây không chỉ là bài toán về nguồn vốn và thủ tục hành chính, mà còn là phép thử cho năng lực triển khai của toàn bộ hệ thống chính quyền địa phương.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo là việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia - một quỹ tài chính ngoài ngân sách, hoạt động phi lợi nhuận để hỗ trợ xây nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho người có nhu cầu.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch nhà ở xã hội phù hợp, chậm nhất trong quý 2 phải xong, nếu vướng mắc thì đề xuất. Các địa phương có kế hoạch, chủ động giao đất cho các chủ đầu tư; nghiên cứu thu hồi các dự án lãng phí; giải quyết, bố trí quỹ đất đầy đủ, nhanh chóng.
Việc mở rộng chính sách nhà ở xã hội cho gia đình đông con và người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển dân số và an sinh xã hội của Việt Nam. Chính sách này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy mức sinh và phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.