Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội, và lãnh đạo các bộ, ngành như Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của ba tỉnh trong việc triển khai các nhiệm vụ đã thống nhất tại cuộc họp trước đó vào ngày 19/4 tại TP. Phan Thiết. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: "Trong thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy, các đồng chí lãnh đạo ở ba tỉnh rất thống nhất, chung sức đồng lòng, cùng hợp tác với nhau trong giải quyết công việc, nhiệm vụ chung. Tinh thần đoàn kết thống nhất lan tỏa từ các đồng chí Thường vụ đến các cơ quan, đơn vị của các địa phương."
![]() |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông. Nguồn ảnh: binhthuan.gov.vn |
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác sắp xếp bộ máy và chuẩn bị Đại hội, ba địa phương cũng đã duy trì tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chăm lo đời sống nhân dân. Mọi hoạt động của các địa phương được đảm bảo liên tục, liền mạch, không bị đứt gẫy hay gián đoạn.
Đến nay, ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông đã phối hợp trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội về nhiệm vụ hợp nhất ba tỉnh thành tỉnh Lâm Đồng mới và quyết định số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh mới.
Về tổ chức bộ máy, ba địa phương đã chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng Đề án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trình HĐND tỉnh Lâm Đồng mới ban hành nghị quyết thành lập sở, ngành, đơn vị ngay sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập tỉnh mới. Về cơ bản, các sở, ngành của ba tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng Đề án, chuẩn bị các phương án về nhân sự, biên chế, cơ sở vật chất để đảm bảo hoạt động liên tục trong quá trình chuyển giao.
Các báo cáo của lãnh đạo ba địa phương đều khẳng định việc sắp xếp, thực hiện tổ chức chính quyền địa phương hai cấp cơ bản thuận lợi, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cơ quan Trung ương và sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khẳng định đã triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền và định hướng dư luận.
Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, việc hợp nhất sẽ giúp hình thành đơn vị hành chính có quy mô đủ lớn để thu hút đầu tư, tái cơ cấu không gian phát triển. Đồng thời, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy giúp giảm thiểu sự chồng chéo, làm cho công tác điều hành trở nên linh hoạt và nhanh chóng hơn.
Ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - báo cáo, tỉnh đã khẩn trương triển khai nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lâm Đồng trong các công việc liên quan đến sáp nhập ba tỉnh. Việc lấy ý kiến nhân dân về Đề án sáp nhập đã đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao.
![]() |
Ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu. Nguồn ảnh: binhthuan.gov.vn |
Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc. Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi còn gặp khó khăn trong việc phân bổ lại nguồn lực, việc hợp nhất các đơn vị hành chính dẫn đến một số "xung đột" trong công việc. Do số lượng đơn vị sắp xếp nhiều, không tránh khỏi tác động đến tâm tư của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Các địa phương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp xã; ban hành Khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức cấp xã; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình bày tỏ vui mừng khi chủ trương sáp nhập ba tỉnh nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân và sự đồng thuận, phối hợp hiệu quả giữa lãnh đạo các tỉnh - "đây chính là ý Đảng hợp lòng dân".
Về công tác bố trí, sắp xếp nhân sự, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, cần bám sát các quy định của Đảng và Nhà nước, đặt vấn đề về tiêu chuẩn cán bộ lên hàng đầu, đó là năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ và uy tín. Cần bảo đảm sắp xếp cán bộ hài hòa giữa các địa phương trên tinh thần "Tiếp tục ở làm việc cũng là vì lợi ích chung và nghỉ công tác cũng là vì lợi ích chung".
Đối với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các địa phương tiếp tục phối hợp trong công tác chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội Đảng cấp tỉnh mới. Văn kiện phải thực sự có đột phá, có điểm nhấn, cụ thể và rõ ràng, không phải là sự tích hợp cơ học của các dự thảo văn kiện đại hội của ba tỉnh hiện tại.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị các địa phương tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, quyết liệt thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ phát triển khối doanh nghiệp tư nhân.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương đã trao đổi, hướng dẫn cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, nhất là các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng, xây dựng văn kiện đại hội, và vấn đề về lựa chọn nhân sự.