![]() |
Thị trường nhóm nông sản 23/5: Giá lúa mì giảm, ngô đi lên |
Thị trường lúa mì
Giá lúa mì kỳ hạn trên sàn CBOT đã quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau khi chuỗi tăng ngắn hạn – chủ yếu từ hoạt động mua bù vị thế bán khống – có dấu hiệu kết thúc. Dù thời tiết tại Bắc Bán cầu vẫn tồn tại rủi ro, nhưng thị trường đánh giá các nguy cơ hiện tại chưa ảnh hưởng rõ rệt tới năng suất.
Hợp đồng lúa mì đỏ mềm giao tháng 7 (WN25) giảm 4,75 cent, xuống 5,4405 USD/giạ. Lúa mì đỏ cứng tháng 7 tại Kansas (KWN25) điều chỉnh nhẹ 0,5 cent, về 5,40 USD/giạ, trong khi lúa mì xuân Minneapolis tháng 7 (MWEN25) lùi 4 cent, còn 6,0025 USD/giạ.
Ông Don Roose – Chủ tịch US Commodities nhận định các nhà đầu tư đang tạm thời đứng ngoài thị trường trước kỳ nghỉ Memorial Day, đồng thời tỏ ra thận trọng với quy mô mùa vụ lúa mì Mỹ sắp tới.
Một số lo ngại xoay quanh khả năng thiệt hại tại Nga và Trung Quốc vẫn hiện hữu, song USDA vẫn kỳ vọng Mỹ có thể đạt một vụ mùa bội thu. Báo cáo mới nhất từ cơ quan này cho thấy xuất khẩu lúa mì ròng của Mỹ đạt 882.200 tấn cho niên vụ 2025/26, vượt xa dự báo thương mại. Lượng hủy đơn hàng vụ cũ ghi nhận 13.300 tấn.
Thị trường ngô
Giá hợp đồng ngô tương lai tại Chicago tiếp tục đi lên trong phiên vừa qua, bất chấp áp lực từ đồng USD mạnh và thị trường năng lượng yếu. Sự hỗ trợ đến từ giao dịch kỹ thuật cùng với lo ngại về mưa lớn làm chậm tiến độ gieo trồng tại Trung Tây Mỹ.
Ngô CBOT tháng 7 (CN25) nhích 2 cent, lên 4,63 USD/giạ, đánh dấu phiên tăng giá thứ tư liên tục.
Mặc dù mưa có thể làm giảm diện tích trồng trọt, nhưng giới phân tích cho rằng thời tiết ẩm cũng hỗ trợ tốt cho các khu vực đã gieo.
Theo USDA, xuất khẩu ròng ngô vụ cũ tuần qua đạt 1.190.800 tấn, còn vụ mới là 218.400 tấn, cả hai đều giảm so với tuần trước nhưng phù hợp kỳ vọng. Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế cũng nâng dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2025/26 lên 1,277 tỷ tấn, tăng 3 triệu tấn so với lần ước tính trước.
Thị trường đậu tương
Thị trường đậu tương ghi nhận diễn biến trái chiều giữa các sản phẩm phái sinh. Trong khi hạt đậu và bột đậu tăng do lực mua kỹ thuật và thời tiết gieo trồng bất ổn, dầu đậu nành lại giảm mạnh vì lo ngại liên quan đến chính sách thuế tại Mỹ.
Đậu tương CBOT tháng 7 (SN25) tăng 4,75 cent, đạt 10,6705 USD/giạ. Bột đậu nành tháng 7 (SMN25) cộng thêm 4,40 USD, lên 298,50 USD/tấn ngắn. Ngược lại, dầu đậu nành (BON25) mất 0,72 cent, còn 49,11 cent/pound – phản ứng tiêu cực trước đề xuất sửa đổi về tín dụng thuế cho nhiên liệu sinh học từ Hạ viện Mỹ.
USDA báo cáo Mỹ đã xuất khẩu ròng 307.900 tấn đậu tương vụ cũ trong tuần qua – gần mức đỉnh của các dự báo, nhưng đơn hàng vụ mới chỉ đạt 15.000 tấn, thấp hơn kỳ vọng.
Ngoài ra, thông tin từ Brazil cho biết nước này đã khởi động giai đoạn giám sát cúm gia cầm kéo dài 28 ngày tại các trang trại gà, nhằm xác nhận sạch bệnh sau ổ dịch đầu tiên – yếu tố có thể tác động đến triển vọng xuất khẩu và tiêu thụ đậu tương toàn cầu.