![]() |
Thị trường nhóm nông sản 22/5: Lúa mì, ngô và đậu tương đồng loạt tăng |
Thị trường lúa mì
Giá lúa mì giao dịch trên Sàn Chicago đã bật tăng vào phiên thứ Tư, có thời điểm chạm mức cao nhất trong một tháng. Đà tăng được thúc đẩy bởi đồng đô la Mỹ suy yếu và hoạt động mua vào trong bối cảnh lo ngại sản lượng sụt giảm tại các khu vực trồng lúa mì trọng điểm.
Hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa đông tháng 7 (WN25) tăng 3,25 cent, đạt 5,4925 USD/giạ. Trước đó trong phiên, hợp đồng hoạt động tích cực nhất (ZW1!) đã lên tới 5,5625 USD – cao nhất kể từ 21/4.
Trên sàn Kansas City, giá lúa mì cứng đỏ mùa đông kỳ hạn tháng 7 (KWN25) tăng 4,25 cent lên 5,4005 USD/giạ. Còn tại Minneapolis, hợp đồng lúa mì xuân tháng 7 (MWEN25) tăng 6,5 cent lên 6,0425 USD/giạ.
Mike Zuzolo, Chủ tịch Global Commodity Analytics, cho biết, mức tăng nổi bật tại thị trường Minneapolis và Kansas City phản ánh sự lo ngại ngày càng lớn về thiệt hại mùa vụ ở Trung Quốc và Nga, cũng như triển vọng thu hoạch trên toàn Bắc bán cầu. Tại tỉnh Hà Nam – vùng trồng lúa mì trọng yếu của Trung Quốc nhiệt độ đã vượt 40°C khiến nhà chức trách phải đưa ra cảnh báo và viện trợ khẩn cấp.
Tại Nga, vùng Rostov – khu vực canh tác ngũ cốc chính đang đối mặt với nắng nóng kéo dài và khô hạn, có thể tác động tiêu cực đến mùa thu hoạch sắp tới, theo cảnh báo từ giới chức địa phương.
Thị trường ngô
Giá ngô kỳ hạn trên Sàn CBOT tăng phiên thứ Tư, đạt mức cao nhất trong vòng hai tuần khi các nhà đầu tư lo ngại mưa lớn kéo dài tại khu vực Trung Tây Hoa Kỳ sẽ làm chậm tiến độ gieo trồng, từ đó ảnh hưởng đến tổng diện tích canh tác.
Hợp đồng ngô tháng 7 (CN25) tăng 6,5 cent, lên 4,61 USD/giạ. Trước đó, hợp đồng liên tục hoạt động mạnh nhất (ZC1!) đã vọt lên 4,62 USD, đây là mức cao nhất kể từ ngày 7/5.
Các chuyên gia cảnh báo tỷ lệ dự trữ/sử dụng ngô toàn cầu trong niên vụ tới có thể xuống mức thấp nhất kể từ đợt hạn hán nghiêm trọng tại Mỹ năm 2012 – sự kiện từng khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng vọt.
Đồng USD giảm giá sau phát biểu thận trọng của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng góp phần hỗ trợ đà tăng khi khiến nông sản Mỹ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Thị trường đậu tương
Giá đậu tương giao tháng 7 (SN25) trên Sàn CBOT ghi nhận mức tăng 9,75 cent, lên 10,6275 USD/giạ, mức cao nhất trong gần một tuần. Hợp đồng hoạt động mạnh nhất (ZS1!) trong phiên từng đạt 10,6705 USD/giạ – mức cao nhất kể từ ngày 15/5.
Theo giới thương mại, đợt mưa lớn tại Argentina – nước xuất khẩu bột đậu nành lớn nhất thế giới làm dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến vụ mùa. Bên cạnh đó, tiến độ gieo trồng chậm tại miền Đông Trung Tây Hoa Kỳ cũng là yếu tố hỗ trợ giá.
Mặc dù vậy, mức tăng bị hạn chế do lượng mưa gần đây lại có lợi cho những diện tích đậu tương đã được gieo trồng.
Giá dầu đậu nành tháng 7 (BON25) tăng 0,33 cent, đạt 49,83 cent/pound. Trong khi đó, giá bột đậu nành tháng 7 (SMN25) cũng tăng 1,50 USD lên 294,10 USD/tấn ngắn.
Đà phục hồi của nhóm hạt có dầu cũng được củng cố nhờ đồng USD yếu. Ngoài ra, Tập đoàn FedEx (FDX) vừa công bố thỏa thuận sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) do Neste sản xuất tại sân bay quốc tế Los Angeles, làm tăng thêm triển vọng tiêu thụ dầu thực vật cho mục đích sinh học.