![]() |
Thị trường nhóm nông sản 16/4: |
Giá các mặt hàng nông sản chủ lực của Mỹ như lúa mì, ngô và đậu tương đã giảm trong phiên giao dịch mới nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), giữa lúc lo ngại về chính sách thương mại, nhu cầu xuất khẩu và điều kiện thời tiết gây sức ép lên thị trường.
Giá lúa mì giao dịch trên CBOT tiếp tục đi xuống phiên thứ hai liên tiếp, chủ yếu do dự báo mưa tại các khu vực gieo trồng trọng điểm của Mỹ, đặc biệt là vùng đồng bằng, tạo kỳ vọng cải thiện độ ẩm đất cho cây trồng. Tuy nhiên, những căng thẳng gia tăng với các đối tác thương mại lớn lại khiến tâm lý thị trường trở nên tiêu cực.
Cụ thể, lúa mì mùa đông đỏ mềm giao tháng 5 (mã WK25) giảm 5,5 cent xuống còn 5,42 USD/giạ. Lúa mì cứng đỏ đông KC giao tháng 5 (KWK25) hạ 2,25 cent còn 5,53 USD/giạ, trong khi lúa mì xuân Minneapolis tháng 5 (MWEK25) cũng giảm 3,5 cent xuống mức 6,0125 USD/giạ.
Theo các nhà phân tích, việc Mỹ áp đặt hàng rào thuế quan rộng khắp đang khiến người mua nước ngoài nản lòng, qua đó kìm hãm xuất khẩu lúa mì. Đồng thời, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy chỉ 47% vụ mùa lúa mì mùa đông đạt chất lượng tốt đến xuất sắc, giảm nhẹ so với 48% của tuần trước.
Giá ngô kỳ hạn trên CBOT cũng đi xuống, dù có một số hỗ trợ đến từ thông tin xuất khẩu. Hợp đồng ngô tháng 5 (CK25) giảm 3,75 cent xuống còn 4,8125 USD/giạ; hợp đồng tháng 7 (CN25) giảm 3,25 cent còn 4,8905 USD/giạ.
USDA xác nhận rằng 110.000 tấn ngô đã được bán cho Bồ Đào Nha để giao trong niên vụ 2024-25, nhưng nhu cầu tổng thể vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, chỉ số đồng USD DXY đang ở mức thấp nhất trong ba năm, một yếu tố giúp hàng nông sản Mỹ rẻ hơn với người mua quốc tế, phần nào hạn chế đà giảm.
Tuy nhiên, điều kiện thời tiết lại gây cản trở cho hoạt động đồng áng. Dự kiến có mưa lớn vào cuối tuần này ở các khu vực như Delta và Thung lũng Ohio, có thể làm chậm tiến độ gieo hạt. Hiện chỉ 4% diện tích ngô toàn quốc đã được gieo, thấp hơn mức 6% kỳ vọng của thị trường.
Giá đậu tương kỳ hạn sụt giảm sau khi chạm đỉnh 7 tuần trong phiên trước, do xuất khẩu yếu và sản lượng cao tại Brazil gây áp lực lên thị trường.
Hợp đồng đậu nành giao tháng 5 (SK25) giảm 5,75 cent, xuống còn 10,36 USD/giạ. Bột đậu nành tháng 5 (SMK25) giảm 2,90 USD còn 294,20 USD/tấn ngắn. Riêng dầu đậu nành giao tháng 5 (BOK25) ghi nhận mức tăng 1,01 cent lên 47,33 cent/pound.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang đẩy các nhà nhập khẩu Trung Quốc chuyển hướng sang Brazil, quốc gia đang có vụ thu hoạch bội thu. USDA cũng cho biết 2% diện tích trồng đậu tương đã được gieo, phản ánh tốc độ triển khai chậm hơn so với kỳ vọng.