![]() |
Thị trường nguyên liệu công nghiệp 18/4: Giá ca cao tiếp tục tăng mạnh, cà phê và đường biến động trái chiều |
Giá ca cao tương lai bật tăng trong phiên thứ Năm trên sàn ICE, nhờ dữ liệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ khả quan hơn dự đoán, cùng với tâm lý thị trường được cải thiện sau khi những lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu tạm thời lắng xuống.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định các cuộc đàm phán thuế quan với Nhật Bản đạt “tiến triển lớn”, đồng thời bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận với Liên minh châu Âu. Tín hiệu tích cực này đã hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường vẫn dõi theo sát diễn biến thương mại quốc tế.
Trên thị trường London, hợp đồng ca cao (C2!) tăng mạnh 207 bảng Anh, tương đương 3,5%, đạt mức 6.049 bảng mỗi tấn. Trước đó, giá đã tăng thêm 0,6% trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, hợp đồng ca cao New York (CC2!) cũng ghi nhận mức tăng 3,6%, lên 8.295 USD/tấn.
Về phía cung - cầu, Hiệp hội Ca cao Châu Âu (ECA) báo cáo sản lượng nghiền ca cao quý I tại khu vực này giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại châu Á, số liệu từ Hiệp hội Ca cao Châu Á (CAA) cũng ghi nhận mức giảm tương tự giảm 3,44%. Tuy nhiên, mức sụt giảm này vẫn nhẹ hơn nhiều so với dự báo ban đầu (giảm 5 - 7%), giúp thị trường bớt áp lực tiêu cực.
Theo BMI – một đơn vị nghiên cứu thuộc Fitch Solutions, dự báo giá ca cao năm 2025 được nâng từ 7.600 USD lên 8.500 USD/tấn, do lo ngại về triển vọng sản lượng niên vụ 2024/25 vẫn còn hiện hữu.
Ở góc độ chính sách, các quy định mới của EU về chống phá rừng, dự kiến có hiệu lực từ tháng 12 tới, sẽ được nới lỏng đáng kể. Các doanh nghiệp ca cao và cà phê sẽ cần ít giấy tờ hơn để đáp ứng yêu cầu, theo thông tin từ Ủy ban châu Âu.
Trái ngược với ca cao, thị trường cà phê chứng kiến điều chỉnh nhẹ sau đợt tăng mạnh trước đó. Hợp đồng arabica (KC2!) hạ 1,2 cent, tương đương 0,3%, xuống còn 3,726 USD/pound, sau khi đã tăng 1,8% trong phiên giao dịch liền trước. Trong khi đó, robusta (RC2!) giảm 1,9%, về mức 5.277 USD/tấn.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần (do không giao dịch vào thứ Sáu vì nghỉ lễ), arabica vẫn tăng 5,3% còn robusta tăng 5%, cho thấy xu hướng hồi phục chưa dứt điểm.
Tại thị trường Việt Nam, giá robusta vẫn duy trì đà tăng trong tuần qua giữa lúc nguồn cung thắt chặt và Mỹ tạm dừng chính sách áp thuế. Công ty môi giới ADMISI nhận định thị trường đang phục hồi sau đợt bán tháo mang tính kỹ thuật và có thể đang trong giai đoạn kiểm định lại khả năng duy trì mức đỉnh hồi tháng 2.
Giá đường giao dịch giằng co trong bối cảnh chịu sức ép từ yếu tố nhu cầu và sản lượng gia tăng tại các quốc gia sản xuất lớn. Hợp đồng đường thô (SB1!) đi ngang ở mức 17,93 cent/pound, tăng nhẹ 0,07 cent, tương đương 0,4%, sau khi rơi xuống đáy 2,5 năm ở 17,51 cent/pound hồi đầu tuần. Trong khi đó, đường trắng (SF1!) tăng 0,3%, đạt mức 498,90 USD/tấn.
Theo nhận định từ giới giao dịch, thị trường đường đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý lo ngại về cầu yếu, cùng với khả năng suy thoái liên quan đến các chính sách thuế. Bên cạnh đó, kỳ vọng sản lượng tăng từ Thái Lan, Ấn Độ và Brazil cũng gây áp lực lên giá.