![]() |
Thị trường nguyên liệu công nghiệp 17/4: Giá cà phê và ca cao bật tăng, đường hồi phục nhẹ |
Giá cà phê tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch mới nhất, khi xuất khẩu Robusta từ Brazil, nước sản xuất cà phê hòa tan lớn thứ hai toàn cầu ghi nhận sụt giảm đáng kể, góp phần thúc đẩy tâm lý mua vào trên thị trường.
Cụ thể, cà phê Arabica (KC2!) tăng 6,65 cent, tương đương 1,8%, lên mức 3,738 USD/pound sau khi từng giảm 2,7% trong tuần trước do lo ngại về thuế quan và rủi ro suy thoái. Song song đó, Robusta (RC2!) nhích 0,7% lên 5.379 USD/tấn.
Theo Công ty tư vấn Safras & Mercado, sản lượng cà phê Brazil năm 2025 có thể nhỉnh hơn so với kỳ vọng trước đó. Tuy nhiên, tâm lý dè dặt vẫn bao trùm thị trường khi nông dân mới bán khoảng 14% sản lượng vụ mùa mới – thấp hơn mức trung bình dài hạn là 25%, phản ánh lo ngại về biến động sản lượng trong giai đoạn tới.
Sau phiên điều chỉnh giảm mạnh trước đó, giá ca cao đã lấy lại đà tăng nhờ lo ngại về tình trạng thiếu cung tại Brazil, một trong những quốc gia sản xuất ca cao chủ lực.
Tại London, ca cao London (C2!) tăng 37 bảng Anh, tương đương 0,6%, lên 5.842 bảng/tấn. Trên sàn New York, ca cao kỳ hạn (CC2!) nhích 1%, đạt 8.006 USD/tấn.
Theo các đại lý, sản lượng ca cao tại Brazil đã giảm 13% trong quý đầu năm. Mặc dù một phần do nhu cầu thấp, nhưng nguyên nhân chính vẫn là thiếu hụt nguồn cung. Trong khi đó, dữ liệu xay ca cao – chỉ số phản ánh nhu cầu thực tế dự kiến sẽ giảm mạnh từ 5 - 7% khi công bố vào ngày thứ Năm, làm gia tăng thêm áp lực lên triển vọng tiêu thụ.
Giá đường đã phục hồi trong phiên giao dịch giữa tuần, nhờ đà tăng của giá dầu và sự suy yếu của đồng USD giúp cải thiện sức mua từ các thị trường nắm giữ tiền tệ khác. Tuy nhiên, triển vọng nguồn cung dồi dào đang giới hạn mức tăng.
Đường thô (SB1!) tăng 0,34 cent, tương đương 1,9%, lên mức 17,86 cent/pound thoát khỏi mức đáy 2,5 năm ở 17,51 cent thiết lập hôm thứ Ba. Cùng lúc đó, đường trắng (SF1!) tăng 1,5% lên 497,30 USD/tấn.
Một yếu tố hỗ trợ là việc giá năng lượng tăng cao, làm gia tăng khả năng các nhà máy tại Brazil chuyển hướng sử dụng mía để sản xuất ethanol thay vì đường. Dù vậy, triển vọng mưa gió mùa tại Ấn Độ cao hơn mức trung bình năm thứ hai liên tiếp đang tạo điều kiện để quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới tăng xuất khẩu.
Tại khu vực trung nam Brazil – vùng trọng điểm sản xuất đường cho thấy sản lượng trong nửa cuối tháng 3 đã tăng gần 10% so với cùng kỳ. Công ty Safras & Mercado cho biết các nhà máy đang tăng tỷ lệ ép mía để sản xuất đường nhằm đối phó với lượng dự trữ hiện thấp hơn 70% so với mức trung bình.