![]() |
Thị trường nguyên liệu công nghiệp 10/4: Giá cà phê đi ngang, ca cao bật tăng, đường giảm sâu |
Giá cà phê Robusta hợp đồng tháng 5 (RC2!) tăng nhẹ 3 USD, tương đương 0,1%, lên 4.797 USD/tấn, sau khi trước đó đã giảm sâu về mức 4.608 USD, mức thấp nhất trong hơn bốn tháng. Cà phê Arabica (KC2!) lại giảm 0,3%, xuống còn 3,417 USD/pound, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2. Tuy nhiên, ngay sau phiên đóng cửa, thông tin về việc Mỹ tạm hoãn áp thuế mới đã giúp giá Arabica hồi phục, có thời điểm tăng đến 3% trong giao dịch ngoài giờ.
Thông báo tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra vào cuối phiên, tạo tín hiệu tích cực nhất định cho thị trường hàng hóa, nhưng không đủ lực để xoay chuyển xu hướng ngắn hạn của giá cà phê. Dù hạ nhiệt phần nào căng thẳng thương mại toàn cầu, Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế cơ sở 10% với phần lớn hàng hóa nhập khẩu, ngoại trừ Trung Quốc, nơi thuế bị đẩy lên 125%.
Theo các nhà phân tích, triển vọng tăng giá cà phê đang chững lại sau khi đã tăng mạnh nhiều tháng qua. Ông Michael J. Nugent – chuyên gia môi giới và cố vấn nhận định thị trường có thể đã qua giai đoạn tăng nóng, trừ khi có yếu tố đột biến như thời tiết khắc nghiệt xảy ra. Người tiêu dùng vốn đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát, giờ đây càng dè dặt hơn khi giá cà phê tăng cao kéo dài.
Ở chiều ngược lại, ca cao ghi nhận sự bứt phá ấn tượng. Ca cao London (C2!) đóng cửa tăng 5,5%, lên 6.096 bảng Anh/tấn, sau khi có thời điểm giảm xuống 5.612 bảng, mức thấp nhất trong vòng năm tháng. Ca cao New York (CC1!) cũng hồi phục mạnh, tăng 7,7%, lên 8.317 USD/tấn, so với mức đáy 7.613 USD trước đó trong phiên.
Đà phục hồi được thúc đẩy bởi tín hiệu bán quá mức trên thị trường và lo ngại nguồn cung tại Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới có thể gặp khó trong vụ giữa năm. Dữ liệu về sản lượng ca cao quý I tại các khu vực tiêu thụ chính như châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ dự kiến công bố trong tuần tới, sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá cung cầu giai đoạn tới.
Trái với xu hướng của ca cao, thị trường đường tiếp tục lao dốc. Đường thô (SB1!) giảm 0,4 cent (2,2%) còn 17,91 cent/pound, sau khi chạm mức thấp nhất trong một tháng là 17,87 cent. Đường trắng (SF1!) cũng mất 1,9%, đóng cửa ở mức 513,30 USD/tấn.
Tình hình thuế quan và diễn biến thời tiết tại các vùng sản xuất chủ chốt sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt dẫn dắt thị trường hàng hóa trong thời gian tới. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp được khuyến nghị theo dõi sát các tín hiệu chính sách và biến động nguồn cung toàn cầu để chủ động ứng phó.